Thành Tựu Tâm Linh và Sự Kết Nối Với Tín Ngưỡng Thờ Mẫu ở Việt Nam

 Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng nội sinh, phản ánh khát vọng của ngư dân nông nghiệp trồng lúa nước về một cuộc sống cơm no áo ấm, mưa thuận gió hòa. Tín ngưỡng thờ Mẫu có sự biến đổi cùng với sự biến đổi của đời sống xã hội; có sự ảnh hưởng của Phật giáo, Nho giáo, Đạo giáo vào trong nội dung và nghi lễ của mình và ngày càng đáp ứng nhu cầu tâm linh phong phú, đa dạng của người Việt. 

Tín ngưỡng thờ Mẫu là gì?

Tín ngưỡng thờ Mẫu là một loại hình tín ngưỡng dân gian thuần Việt. Thần thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu mang hình ảnh của người mẹ, người phụ nữ đôn hậu với quyền năng sinh sôi, sáng tạo, che chở và ban phúc cho con người. Đỉnh cao của tín ngưỡng thờ Mẫu chính là hệ thống thờ Tam phủ - Tứ phủ cùng với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh.

Nguồn gốc của tín ngưỡng thờ Mẫu

Tín ngưỡng thờ hình tượng người phụ nữ (làm nền tảng đầu tiên cho tín ngưỡng thờ Mẫu) xuất hiện từ thời kỳ nguyên thủy sơ khai, khi con người có ý niệm về linh hồn người chết. Có ý kiến cho rằng: “nguyên nhân khởi phát tín ngưỡng thờ Mẫu là từ chế độ mẫu hệ. Trong thời kỳ nguyên thủy khi mà người phụ nữ đóng vai trò là chủ gia đình, là người có quyền quyết định mọi vấn đề to lớn trong gia đình, bộ tộc thì họ cũng góp phần quyết định vào sự tồn tại của xã hội” 

Tín ngưỡng thờ Mẫu là sản phẩm của xã hội nông nghiệp, ở đó còn những tàn dư của xã hội mẫu hệ, và vai trò của người phụ nữ được đề cao. Tín ngưỡng thờ Mẫu tôn vinh các nhân vật như: Quốc Mẫu, Vương Mẫu, Thánh Mẫu… Tín ngưỡng thờ Mẫu còn được hiểu theo một nghĩa hẹp hơn, đó là tín ngưỡng Mẫu Tam phủ - Tứ phủ. Trong đời sống của người Việt, thờ Mẫu là một tín ngưỡng nội sinh, xuất hiện từ rất sớm. Theo tín ngưỡng đó, các thần linh (như trời, đất, sông nước, rừng núi...) có khả năng siêu phàm điều khiển được thiên nhiên. Trong quá trình mưu sinh dựa vào đặc tính của vùng nông nghiệp canh tác lúa nước, người Việt luôn dựa vào thiên nhiên; họ tôn thờ các hiện tượng tự nhiên, coi tự nhiên là Nữ thần và Mẫu thần để cầu mong được bảo trợ và cứu giúp khỏi mọi khổ đau. Cho tới nay, người ta chưa biết chính xác tín ngưỡng thờ Mẫu có từ khi nào, nhưng nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ III hoặc thứ II trước Công nguyên. Tín ngưỡng thờ Mẫu có nguồn gốc ở miền Bắc từ lúc người Việt khai thác đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh đó, một số nhà nghiên cứu cho rằng, tín ngưỡng thờ Mẫu lưu giữ kho tàng văn hóa dân gian của nhiều dân tộc



Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ - Tứ phủ là loại hình thờ Mẫu đặc sắc, độc đáo và khá phổ biến đối với người Việt, được hình thành vào khoảng thế kỷ XVI với sự ra đời của Thánh Mẫu Liễu Hạnh, đánh dấu bước phát triển cao và hoàn thiện hơn trong hệ thống tín ngưỡng thờ Mẫu ở nước ta.


Xuất phát từ một dân tộc có truyền thống nông nghiệp trồng lúa nước, người Việt luôn ước vọng có cơm no áo ấm, mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, nhưng ước vọng ấy không phải lúc nào cũng được toại nguyện do ảnh hưởng của thiên tai. Vì thế, người Việt đã theo đuổi và đặt lòng tin của mình vào lực lượng siêu nhiên đầy quyền năng; họ tôn thờ các vị thần linh thiên nhiên (trong đó có hình tượng các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp), các nữ thần này đại diện cho các hiện tượng tự nhiên. Tín ngưỡng thờ Mẫu là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt.


Thần thánh trong tín ngưỡng thờ Mẫu mang hình ảnh của người Mẹ, người phụ nữ đôn hậu với quyền năng sinh sôi, sáng tạo, bao bọc, ban phúc và che chở cho con người. Cùng với sự biến đổi của xã hội, xã hội phụ quyền thay thế xã hội mẫu quyền, nhưng vai trò của người phụ nữ trong gia đình và xã hội vẫn không thay thế được. Những người phụ nữ tài giỏi, có công đánh giặc giữ nước hay dạy nghề cho dân làng khi mất được nhân dân tôn thờ thành các thánh Mẫu.


Lớp thờ Mẫu thứ hai sau lớp thờ Nữ thần chính là thờ Mẫu thần. Trải qua lịch sử, trong quá trình phát triển, tín ngưỡng thờ Mẫu không những tiếp nhận sự ảnh hưởng tích cực của các tôn giáo (như Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo), mà còn tích hợp được văn hóa đặc sắc của các dân tộc thiểu số ở Việt Nam. Nhờ đó tín ngưỡng thờ Mẫu có vị trí trong đời sống tâm linh của người Việt và trở thành một bộ phận không thể thiếu trong bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam. Ngày 01 tháng 12 năm 2016, tại phiên họp của Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể lần thứ 11 của UNESCO diễn ra tại thành phố Addis Ababa (Cộng hòa Dân chủ Liên bang Ethiopia), di sản “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã chính thức được UNESCO công nhân là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Mối quan hệ giữa tín ngưỡng thờ Mẫu với tín ngưỡng tôn giáo khác

Các nhà nghiên cứu về tín ngưỡng tôn giáo trong và ngoài nước đều nhận định đối với bất cứ một dân tộc nào, tín ngưỡng dân gian hay tín ngưỡng bản địa đều có nguồn gốc từ tín ngưỡng nguyên thuỷ hay tôn giáo sơ khai và chúng được sản sinh trong lòng xã hội nguyên thuỷ. Nó bao gồm những quan niệm của một dân tộc về thế giới siêu nhiên kì bí xung quanh họ. Các quan niệm này mang tính dân tộc sâu sắc, vì vậy mà mỗi dân tộc đều có một hệ thống tín ngưỡng riêng biệt, mang những nét đặc trưng bản địa riêng của mình.


Người Việt cũng có một hệ thống tín ngưỡng dân gian hết sức phức tạp và phong phú. Từ nguồn sống chính bằng sản xuất nông nghiệp trồng lúa nước nên họ rất tôn sùng các hiện tượng tự nhiên có liên quan trực tiếp đến nghề nông. Đó là các vị thần linh siêu nhiên được người Việt quan niệm như các hiện tượng tự nhiên đầy sức mạnh huyền bí (mặt trời, mặt trăng, các vì sao, mây, mưa, sấm, chớp…). Các vật linh thiêng (theo thuyết vạn vật hữu linh), các linh hồn của người đã khuất (tổ tiên, ông bà, ma quỷ…).


 

Bên cạnh đó còn có một hệ thống khá phức tạp là những người có khả năng giao cảm với hệ thống thần linh đó như: thầy cúng, thày địa lí, thày pháp, thày phù thuỷ… Tất cả các hiện tượng phức tạp này mang đầy tính huyền ảo và kì bí nhưng lại hết sức độc đáo, sinh động. Khi ấy lễ hội dân gian đã trở thành môi trường tâm linh lý tưởng để người Việt có điều kiện tiến hành các nghi lễ thờ cúng trang nghiêm với các đấng siêu phàm mà họ tin tưởng có sức mạnh siêu nhiên tác động lên cuộc sống cực nhọc ở trần gian của mình.

 

Trước khi có sự du nhập của các tôn giáo từ bên ngoài vào thì hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa phát triển bình thường. Khởi nguyên từ các tín ngưỡng nguyên thuỷ, hay tôn giáo sơ khai, ở người Việt cổ đã xuất hiện các hiện tượng tín ngưỡng dân gian rất đa dạng phong phú. Đó là các tín ngưỡng nông nghiệp cổ, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên tôn thờ đa thần (cả nhiên thần và nhân thần). Đặc biệt là các tín ngưỡng có liên quan trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp như: tục thờ Mẹ trời, Mẹ đất, Mẹ nước, Mẹ lúa… tục thờ Nữ thần và thờ Tứ Pháp: Mây, Mưa, Sấm, Chớp… Đó là các hạt nhân tín ngưỡng cơ bản để hình thành lên các lễ hội nông nghiệp cổ truyền. Trong quan niệm về vũ trụ (trời – đất) hay quan niệm âm – dương, thì người Việt cổ cho rằng Trời là Cha (dương), phần nào đồng nghĩa với người đàn ông – là đấng hoá sinh làm nên mọi sự xoay vần của vũ trụ như: mưa, gió, sấm, chớp và tạo nên sự chuyển động cho không gian và thời gian. Còn Đất là Mẹ (âm) – phần nào đồng nghĩa với người đàn bà luôn thu nhận mọi nguồn sinh lực từ vũ trụ (trời – cha) làm nảy sinh vạn vật và muôn loài.

 

Từ quan niệm như vậy mà người ta coi Mẹ đất đã sinh ra tất cả và trở thành bà mẹ vũ trụ vĩnh hằng trong tâm thức dân gian của người Việt cổ. Đấy chính là cơ sở hình thành nên hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, làm nền tảng vững chắc cho sự phát triển của nền văn hoá dân tộc sau này, khi tiếp xúc, giao lưu với các tín ngưỡng và tôn giáo từ bên ngoài vào.

 

Tín ngưỡng thờ Mẫu với đạo Phật

 

Căn cứ vào các nguồn tư liệu lịch sử, tôn giáo, dân tộc học và văn hoá dân gian thì Phật giáo từ n Độ du nhập vào nước ta khoảng những năm đầu công nguyên (cách đây khoảng 2000 năm). Lúc đầu Phật giáo đến bằng đường biển từ n Độ, về sau lại đến ta qua Trung Quốc.

 

Vào thế kỉ VI, Luy Lâu (nay thuộc Thuận Thành, Bắc Ninh) là trung tâm Phật giáo lớn nhất Việt Nam được sử sách ghi nhận. Trong sách “Thiền uyển tập anh ngữ lục” có ghi: “Có hơn 20 ngọn bảo tháp, độ được hơn 500 vị tăng và dịch được 15 bộ kinh”. Ngay sau khi du nhập vào nước ta Phật giáo đã tự điều chỉnh và biến đổi cho phù hợp với tín ngưỡng và tâm thức dân gian của người Việt bằng con đường phong tục hoá và dân gian hoá. Phật giáo đã nhanh chóng thu nạp các yếu tố có lợi cho mình trong hệ thống tín ngưỡng dân gian bản địa, đặc biệt là trong các tín ngưỡng nông nghiệp như tục thờ Mẹ hay tục thờ Nữ thần và tục thờ Tứ Pháp để cho ra một hình thức Phật mới là Phật Mẫu và Phật Tứ Pháp. Đó là các vị Nữ thần hoá thân thành Phật Bà Quan Âm hay Phật Bà Tứ Pháp.



Theo quan niệm dân gian thì hình tượng Phật Mẫu Man Nương và Tứ Pháp (là 4 người con gái của Bà: Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi và Pháp Điện) ứng với hiện tượng: Mây, Mưa, Sấm, Chớp trong tín ngưỡng nông nghiệp cổ, được thờ ở chùa Dâu, nằm gần trung tâm Phật giáo cổ nhất và lớn nhất nước ta là Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh). Như vậy hiện tượng tôn thờ Tứ Pháp trong Phật điện là kết quả của mối “kết duyên” giữa Phật giáo với tín ngưỡng nông nghiệp bản địa, và nguồn gốc của Tứ Pháp là các Nữ thần: Vân, Vũ, Lôi, Điện, tương ứng với Mây, Mưa, Sấm, Chớp.

 

Trước khi có sự du nhập của Phật giáo vào nước ta thì các vị Nữ thần này được thờ ở các đền miếu dân gian, và được tôn vinh là các vị thần nông nghiệp trông coi về ớc – là yếu tố quan trọng bậc nhất trong sản xuất nông nghiệp lúa nước. Đến khi Phật giáo vào đã nhanh chóng dân gian hoá, thu nhận tín ngưỡng thờ Tứ Pháp của người Việt cổ, dẫn đến các ngôi đền (miếu) này chuyển hoá thành chùa chiền. Nhưng mỗi vị Tứ Pháp được thờ riêng như cũ dưới hình thức là một vị thần chủ (Phật chủ) thờ ở mỗi chùa, mà không thấy thờ thêm một vị Phật hoặc vị Bồ Tát nào khác. Như vậy, Tứ Pháp đã được người Việt coi là sự phân thân của đức Phật dưới hình thức lực lượng tự nhiên. Chính vì vậy, cụm di tích Tứ Pháp luôn có 4 ngôi chùa riêng biệt ở 4 thôn cạnh nhau trong các làng xã cổ truyền. Làng Dâu (nay là làng Khương Tự, xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) có 5 ngôi chùa thờ 5 mẹ con Bà Man Nương: Bà Man Nương (Phật Mẫu) thờ ở chùa Mãn Xá, các con gái của Bà là Bà Dâu (Pháp Vân) thờ ở chùa Dâu (Khương Tự); Bà Đậu (Pháp Vũ) thờ ở chùa Đậu (Thành Đạo); Bà Tướng (Pháp Lôi) thờ ở chùa Phi Tướng (Thanh Tương); Bà Dàn (Pháp Điện) thờ ở chùa Phương Quan (Phương Quan). Trong các lễ hội chùa thờ Tứ Pháp vẫn duy trì lễ tục rước nước (cầu nước) của cư dân nông nghiệp: Cầu mưa thuận gió hoà cho mùa màng tốt tươi và nhân khang vật thịnh. Rõ ràng tục thờ Mẫu và Tứ Pháp được đạo Phật dung nạp vào thờ trong chùa từ khá sớm, dưới dạng Phật Mẫu và Phật Tứ Pháp, đó là mối quan tâm đầu tiên của đạo Phật khi muốn cắm rễ ăn sâu vào mảnh đất Việt.

 

Theo sách nhà Phật thì Quan Âm là một vị Bồ Tát nam giới nhưng khi Phật giáo du nhập vào Trung Quốc và nước ta, qua mối quan hệ với tín ngưỡng dân gian của cư dân nông nghiệp, luôn đề cao bà Mẹ Đất – Nước với các yếu tố âm nên Quan Âm trong đạo Phật Việt Nam đã ứng hiện ra dưới bộ mặt nữ thành Phật Bà Quan Âm. Quan Âm Nam Hải trong nhận thức của người Việt vốn là Diệu Thiện, con thứ ba của Diệu Trang. Công chúa là một hiện thân của đức Quan Âm, bỏ sự sang quí vượt mọi ngăn trở để tu hành đắc đạo.

 

Khảo sát mối quan hệ giữa đạo Phật với tín ngưỡng thờ Mẫu còn có thể tiếp cận từ góc độ xem xét việc bài trí trong điện thờ Phật và điện thờ Mẫu ở nhiều ngôi chùa khắp làng quê Việt Nam. Như đã nêu trên, trong khuôn viên của các ngôi chùa ngoài có điện chính thờ Phật còn có điện thờ Mẫu và bàn thờ Tổ (các sư trụ trì ở chùa). Ở trong điện Phật có Toà Tam Bảo, có Tam Thế Phật và Tam Tôn Di Lặc…thì ở điện thờ Mẫu có Tam Toà Thánh Mẫu, có Tam phủ, Tứ phủ và Tam vị Đức vua Cha…Theo quan niệm dân gian con số 3 là con số vừa để biến đổi vừa để cân bằng thường được viện vào trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống tâm linh như: Vũ trụ có 3 tầng, tam ngôi thánh thiện, tam giáo đồng nguyên hay tam vị nhất thể… Số 3 là số lẻ, vì lẻ thì động chuyển nhờ đó mà biến đổi và phát triển không ngừng. Vì vậy, con số 3 được sử dụng nhiều trong cách bài trí sắp đặt tượng thờ ở điện Phật và điện Mẫu. Không những thế trong điện thờ Phật có nơi còn thờ cả Ngọc Hoàng Thượng Đế cùng với Nam Tào và Bắc Đẩu như ở điện thờ Mẫu.

 

Tín ngưỡng thờ Mẫu với Đạo Giáo

 

Đạo giáo khi du nhập vào nước ta cũng phải tự điều chỉnh và biến đổi để dung hoà với tín ngưỡng dân gian bản địa. Theo các nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu trong nước và nước ngoài đã công bố thì tín ngưỡng thờ Mẫu là kết quả của mối “giao duyên” giữa Đạo giáo với tín ngưỡng dân gian bản địa, mà Đạo giáo lại có nguồn gốc từ Trung Quốc du nhập vào đất Việt cũng khoảng những năm đầu công nguyên.

 


Đạo giáo vốn dĩ có tôn chỉ cao diệu ít người hiểu thấu, lại kết hợp nhuần nhuyễn với những tính chất huyền bí, thần kì của hệ tín ngưỡng dân gian Trung Quốc, hết sức gần gũi với đời sống tâm linh của người Việt cổ xưa về sự kì vĩ và bí ẩn của vũ trụ. Vì thế mà Đạo giáo đã hoà đồng dễ dàng với hệ tín ngưỡng dân gian bản địa của người Việt. Người Việt đã tiếp nhận Đạo giáo như tiếp nhận thêm một niềm tin vào các vị thần linh mới, có uy lực siêu phàm đối với cuộc sống và vận mệnh của họ, cũng như tiếp nhận thêm một phương thức giao cảm mới với các đấng siêu nhiên đó. Do vậy mà Đạo giáo khi du nhập vào nước ta cũng đã tự điều chỉnh và biến đổi thông qua việc phong tục hoá và dân gian hoá trở thành 2 dòng tín ngưỡng mới của Đạo giáo trên mảnh đất Việt là Đạo Thần tiên và đạo Phù thuỷ.


Đạo Thần tiên (hay đạo Tu tiên) được đặc trưng bởi việc luyện linh đan, tu luyện phép trường sinh bất lão và bất tử để trở thành tiên. Người theo đạo này mang nặng tư tưởng xa lánh cuộc sống trần gian, phớt đời và giữ cho tâm hồn phiêu diêu tự tại…

Còn đạo Phù thuỷ có sử dụng ma thuật, bùa phép để thờ cúng thần linh hoặc để xuất hồn và nhập hồn, hay chữa bệnh trừ tà bằng tàn hương nước thải… Để tồn tại và phát triển sâu rộng trong dân chúng, đạo Phù thuỷ tiếp tục dân gian hoá và phong tục hoá theo cách kết hợp các tục thờ Mẹ/ Mẫu và tục thờ Nữ thần vốn có trong hệ tín ngưỡng nông nghiệp cổ của cư dân nông nghiệp nước ta, đồng thời kết hợp với quan niệm dân gian “đất có thổ công, sông có hà bá” để hình thành nên tín ngưỡng Tam phủ và Tứ phủ (mang tính thuần Việt). Đó là việc các thầy phủ thuỷ và thầy pháp đã tạo nên 3 vị nữ thần chính trông coi 3 cõi của tự nhiên, gọi là 3 vị Mẫu/ Mẹ như: Cõi Trời – Mẫu Thượng Thiên (hay Mẫu Cửu Thiên); Cõi Đất hay Núi rừng – Mẫu Địa hay Mẫu Thượng Ngàn; Cõi sông bể (Nước) – Mẫu Thuỷ hay Mẫu Thoải. Tương ứng với các cõi ấy được gọi là phủ như: Thiên phủ (Trời), Nhạc phủ (Núi rừng) hay Địa phủ (Đất đai -ruộng đồng), Thuỷ phủ (Nước – sông biển).

Tín ngưỡng thờ Mẫu với Nho giáo

Đến thế kỉ XVI, xã hội phong kiến Đại Việt khi mà Nho giáo chiếm vị trí độc tôn càng đè nặng lên thân phận người phụ nữ thì trong đời sống tâm linh của cộng đồng người Việt lại xuất hiện thêm một linh hồn bất tử nữa, đó là vị Nữ thần quê ở làng Vân Cát (Vụ Bản, Nam Định) là Mẫu Liễu Hạnh công chúa.

 

Có nhiều truyền thuyết khác nhau về Mẫu Liễu Hạnh nhưng đa phần cho rằng, Mẫu Liễu Hạnh vốn là Công chúa Quỳnh Hoa do đánh vỡ chén ngọc của Ngọc Hoàng Thượng Đế nên bị Ngọc Hoàng đày xuống trần gian và đầu thai vào nhà vợ chồng Lê Thái Công ở Làng An Thái, xã Vân Cát, huyện Thiên Bản (nay là Vụ Bản), Nam Định


 

Sự linh thiêng cao đạo của Bà, cùng với việc ảnh hưởng của tín ngưỡng Tam phủ đã được dân gian bổ sung vào thần điện để tôn thờ thành tín ngưỡng Tứ phủ. Bà Liễu Hạnh được dân gian tôn vinh là Thánh Mẫu (Mẫu Liễu) làm vị thần chủ trông coi cõi Nhân gian (hay Trần gian) và tương ứng với cõi này là Nhân phủ. Có lẽ từ đây đạo Tứ phủ được dân chúng gọi là tín ngưỡng thờ Mẫu dân gian và nhanh chóng ăn sâu vào tâm thức dân gian của người dân đất Việt.

 

Tuy nhiên không phải ở đâu người ta cũng thờ Mẫu Liễu, mà phổ biến nhất vẫn là thờ “Tứ phủ công đồng” gồm có Tứ Mẫu trông coi 4 miền của Vũ trụ: Trời, rừng, nước, đất; với trung tâm là “Tam Toà Thánh Mẫu“. Trong đó, Mẫu đệ nhất là Mẫu Thiên; Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn; Mẫu đệ tam là Mẫu Thoải (Thuỷ); Mẫu đệ tứ là Mẫu Địa. Riêng ở những ngôi đền (hay phủ) thờ Mẫu Liễu thì dân gian đồng nhất với Mẫu Thiên. Và Tam toà Thánh Mẫu khi ấy là: Mẫu đệ nhất là Mẫu Liễu (mặc áo đỏ, đồng nhất với Mẫu Thiên); Mẫu đệ nhị là Mẫu Thượng Ngàn (mặc áo xanh lá cây); Mẫu đệ Tam là Mẫu Thoải (mặc áo trắng), như ở Phủ Giầy (Vụ Bản, Nam Định), phủ Tây Hồ (Hà Nội) và Phủ Sòng (Thanh Hoá)…

 

Tín ngưỡng đạo Mẫu ở Trung, Nam

 

Khi tín ngưỡng thờ Mẫu vào miền Trung, tiếp thu thêm việc thờ nữ thần xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm, tín ngưỡng thờ Mẫu này có pha chút Đạo giáo thần tiên, biến thành thờ Thiên Yana, bà mẹ y theo mệnh trời. Riêng ở Huế, ngày xưa cũng có điện thờ Mẹ xứ sở Pô Inư Nagar của người Chăm, sau này được người Việt tiếp thu thành nữ thần Thiên Yana, nơi thờ được đổi thành điện Hòn Chén, hoặc Huệ Nam điện, Thiên Yana được gọi là Bà Chúa Ngọc. Ở Nam Bộ, Mẫu kết hợp với nữ thần Đất của người Khmer Nam Bộ thành Bà Chúa Xứ được thờ ở khắp các làng ấp Nam Bộ, điển hình là miếu thờ Bà chúa Xứ ở Châu Đốc An Giang và điện Bà Đen ở núi Bà Đen tỉnh Tây Ninh.

 

Trong đời sống của lớp người Việt bình dân thì người phụ nữ vẫn giữ một vị trí đặc biệt. Trong tâm thức của người dân, người mẹ (Mẫu) vẫn được coi là có quyền lực bất khả kháng. Mẹ trở thành biểu tượng thường trực trong mọi thế ứng xử của người Việt. Vì vậy, ở Việt Nam người mẹ được tôn vinh thành riêng một tín ngưỡng – thờ mẹ (Mẫu).

 

 

 

 

 

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn