Những lưu ý để khắc phục tình trạng quá tải trong công việc!

 


Mỗi ngày chúng ta dành khoảng 8 tiếng ở văn phòng, tuy nhiên, đó không phải là con số “tối đa”, mà thường là “tối thiểu”. Mặc dù vậy, không phải ai cũng có thể rời bàn làm việc với tâm lý thảnh thơi, thay vào đó, họ quanh quẩn bên đống suy nghĩ ngổn ngang về những phần việc còn dang dở.

Điều này xảy ra là do cấp trên yêu cầu quá nhiều? Hay do trong xã hội hiện nay, “bận bịu” đang được xem như một sự thể hiện cho năng suất của bạn trong mắt người khác, dẫn đến mọi người có xu hướng làm nhiều việc hơn để chứng minh bản thân?

Mặc dù nguyên nhân đến từ khách quan hay chủ quan, thì bạn hãy luôn nhớ một điều: Bận bịu, không đồng nghĩa với quá tải.

Nếu bạn đang có dấu hiệu của mỗi ngày làm việc căng thẳng, kết quả lại không cao, thì hãy dành thời gian và cân nhắc lại một điều: Liệu mình có đang quá tải công việc hay không?

Vậy, một khi đã nhận ra tình trạng quá tải này, làm thế nào để bạn vượt qua nó? Chúng ta hãy cùng nhau xem qua 4 điều lưu ý để cải thiện tình hình này bạn nhé:


1. Sắp xếp thứ tự ưu tiên

Quá tải thường đến khi bạn ôm đồm quá nhiều việc khác nhau, nhưng lại không biết sắp xếp mức độ ưu tiên giữa các công việc này.

Hãy luôn luôn là một người làm việc thông minh khi luôn nắm rõ lượng nhiệm vụ mà mình phải hoàn thành, cũng như mức độ quan trọng của từng công việc.

2. Hãy học cách phân việc

Mỗi con người trong chúng ta đều mang trong mình một cái tôi nhất định, nó khiến bạn cảm thấy mình có thể hoàn thành tốt điều này mà không phải là một người khác.

Khi có một mục tiêu chung, chất lượng công việc của mỗi người đều sẽ luôn hướng đến việc đáp ứng yêu cầu của cả tổ chức. Vì thế, nếu bạn có đồng nghiệp hay cấp dưới, hãy biết cách yêu cầu giúp đỡ, và “học cách an tâm” khi giao việc cho người khác.

3. Trò chuyện với đồng nghiệp

Hãy thử mở lòng và chia sẻ với đồng nghiệp, tuy nhiên, hãy chọn đúng người. Đó có thể là người ở cùng phòng ban, hay nhân viên thuộc bộ phận nhân sự – những người hiểu chính xác công việc của bạn là gì, để họ có thể lắng nghe bạn hiệu quả. Người ở ngoài cuộc thường sáng suốt hơn, có thể họ sẽ nhận ra vấn đề là từ phía bạn, hay bởi lý do khách quan, để từ đó cho bạn những lời khuyên hữu ích nhất.

4. Và cả với cấp trên, nếu cần thiết

Nếu vấn đề không đến từ lý do chủ quan, bạn hoàn toàn có quyền yêu cầu một buổi gặp mặt để trình bày với quản lý của mình. Tuy nhiên trong trường hợp này, bạn nên có cho mình sự chuẩn bị: Đừng trình bày những vấn đề bằng cách giao tiếp suông, hãy cho cấp trên thấy rõ số lượng công việc mà bạn đang làm và thời gian để hoàn thành mỗi công việc đó. Bởi vì đôi khi họ cũng quá bận rộn với những công việc cá nhân mà không quản lý được sát sao lượng việc mà bạn đang làm, vì thế, hãy nhân cơ hội này để trình bày cho họ.

Ngoài ra, hãy chủ động đề xuất những giải pháp. Đó có thể là yêu cầu phân bổ công việc cho đồng nghiệp, dời deadline, hay một giải pháp cải tiến hơn giúp rút gọn quy trình… Quan trọng là bạn đã có sự chuẩn bị cho riêng mình, đừng chỉ chờ đợi cách giải quyết từ cấp trên, mà hãy tập cách chủ động giải quyết vấn đề của mình bạn nhé.


5. Những cách giảm áp lực công việc cho tuần mới năng động

Tạo một không gian làm việc thoáng mát

Một phòng làm việc ẩm thấp, nóng bức là điều mà ai cũng không mong muốn. Trái lại thì những khoảng không thoáng đãng sẽ giúp bạn cảm thấy thoải mái, giúp bạn giải quyết công việc hiệu quả và năng suất hơn. Bạn hãy đảm bảo nơi làm việc luôn thoáng gió, có cửa thông ra ngoài trời, đồng thời hãy nhớ luôn vệ sinh nơi làm việc thật sạch sẽ.


Tập thể dục thường xuyên

Rèn luyện cơ thể dẻo dai cũng là một cách giảm stress hiệu quả. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng các bài tập thể dục hợp lý chính là cứu tinh của những ai phải làm việc với cường độ cao. Bạn nên dành ra một khoảng thời gian cố định trong ngày để tập thể dục, như thế không chỉ tốt cho cơ bắp mà còn giúp đầu óc minh mẫn hơn rất nhiều.


Có chế độ ăn uống hợp lý

Bạn nên lên kế hoạch kiểm soát bữa ăn của mình, tránh bỏ bữa hoặc ăn không kiểm soát. Nên cung cấp cho cơ thể đầy đủ các nhóm dưỡng chất và vitamin, bổ sung thêm nhiều rau quả, hạn chế thức ăn chế biến sẵn, loại bỏ những thói quen ăn uống có hại cho sức khỏe. Ngoài ra thì bạn cũng nên uống thêm thật nhiều nước.



Giữ vừng tinh thần lạc quan

Khi đối mặt với những tình huống căng thẳng thì một tinh thần lạc quan vẫn tốt hơn nhiều so với tâm trạng rầu rĩ hay hoảng loạn. Giữ cho mình một cái đầu lạnh lâu ngày sẽ giúp bạn hình thành một phản xạ trong tâm trí, giúp bạn bài trừ suy nghĩ tiêu cực, làm tan biến cơn stress.


Dành cho mình những phút giải lao

Làm việc chăm chỉ là tốt, thế nhưng bạn cũng nên dành ra một chút thời gian để thư giãn đầu óc. Cụ thể thì bạn có thể chia thời gian ra để đi lại, tập thể dục nhẹ hoặc tán gẫu cùng đồng nghiệp, vv…


Tận hưởng những kỳ nghỉ

Khi đã hoàn thành một mục tiêu công việc nào đó, bạn có thể dành tặng bản thân một vài ngày nghỉ để “nạp lại” năng lượng. Bạn có thể chọn cho mình một chuyến du lịch xa, dành thời gian để nấu ăn, vui đùa cùng với người thân trong gia đình… Những khoảnh khắc quý giá này cũng chính là động lực để bạn phấn đấu hơn trong thời gian sắp tới.


Tập nhìn mọi thứ ở các góc độ mới

Chỉ chăm chăm nhìn mọi thứ ở một góc nhìn cố định sẽ làm giảm khả năng sáng tạo, đây cũng là nguyên nhân gây ra stress. Để làm mới bản thân thì bạn có thể “làm mềm” cảm xúc, tìm đến trò chuyện với mọi người để nhận lời khuyên, đặt lại vấn đề theo một hướng nhìn mới lạ… Đây có thể là việc khá khó thực hiện nhưng không phải là điều bất khả thi.


Học cách quản lý thời gian

Kỹ năng quản lý thời gian sẽ giúp bạn làm việc hiệu quả, tránh tình trạng chất chồng công việc và tạo tâm lý chán chường. Hãy lập kế hoạch, đặt ra từng mục tiêu cụ thể trong một khoảng thời gian đã định sẵn và cố gắng hoàn tất chúng trước khi chuyển sang một mục tiêu khác.




Lắng nghe lời khuyên của cấp trên

Cấp trên của bạn là những người có rất nhiều kinh nghiệm, chắc chắn rằng họ đã trải qua những cơn stress tương tự như bạn. Vì lẽ này mà việc tham khảo lời khuyên của cấp trên là một hành động khôn ngoan. Bên cạnh đó thì việc tương tác, chia sẻ với cấp trên cũng giúp quan hệ của cả hai phía trở nên cởi mở hơn, tốt hơn.


Cách giảm áp lực công việc: Đừng quá cầu toàn!

Bạn nên nhớ rằng không có điều gì là hoàn hảo, kể cả công việc của bạn. Đôi lúc bạn cần học cách chấp nhận thất bại và thoải mái với điều này. Những người thành công luôn biết đưa ra thái độ hợp lý nhất đối với các tình huống xấu trong công việc. Tâm lý quá cầu toàn không chỉ khiến cho nỗ lực của bạn trở nên mờ nhạt mà còn tạo ra những cơn stress không đáng có.


Vừa rồi là một số cách giải quyết áp lực đơn giản mà bất cứ nhân viên công sở nào cũng có thể áp dụng một cách dễ dàng. Hãy áp dụng những cách thức vừa được gợi ý này để xua tan những cơn stress và làm việc thật hiệu quả bạn nhé! 🥰

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn