Quy trình SEO tổng thể gồm những giai đoạn nào? ( Phần 2 )

Improving là giai đoạn kiểm tra, đánh giá và cải thiện những yếu tố SEO hiện sẵn có (bao gồm cả onsite và offsite).

Trong quá trình này, nền tảng website sẽ được hoàn thiện từ cấu trúc đến giao diện UX/UI. Đây là giai đoạn cải thiện để nâng cấp chất lượng những gì mình đang có lên mức tốt nhất thông qua việc trả lời các câu hỏi “Điều gì đang kìm hãm website phát triển? Liệu website có gặp lỗi gì không?”.

Improving giúp bạn đảm bảo chất lượng những yếu tố SEO sẵn có và xây dựng nền tảng web sẵn sàng cho giai đoạn tiếp theo – Creating & Optimizing.

Improving sẽ bao gồm 3 công việc chính bao gồm:

- Audit website tổng thể 

- Xây dựng cấu trúc Website

- Xây dựng giao diện UX/UI

Lưu ý: Các bước Audit website tổng thể sẽ áp dụng đối với website cũ, đã xây dựng và có triển khai nội dung một thời gian. Nếu bạn đang SEO website mới có thể bỏ qua bước Audit này và xem các bước xây dựng và tối ưu nội dung tiếp theo bên dưới.

Trước khi làm công việc xây dựng nền tảng, bước Audit website tổng thể là vô cùng quan trọng để bạn có đủ dữ kiện để điều chỉnh và tối website của mình tốt hơn.

Audit SEO tổng thể

Audit SEO tổng thể là quá trình kiểm tra các khía cạnh SEO của website để phát hiện lỗi onsite hoặc offsite. Ứng dụng tương tự khi phân tích đối thủ, bạn sẽ cần audit (mình hay gọi vui là “khám tổng quát”) website của mình thật kỹ lưỡng. 

Nhờ vào việc Audit, bạn xác định được những điểm website mình đang làm tốt hoặc chưa tốt so với thị trường. Từ đó có thể nắm tình hình tổng quan của dự án SEO, xác định mức độ quan trọng của các vấn đề và lên kế hoạch điều chỉnh phù hợp với nguồn lực hiện tại. 

Bạn nên chú trọng kiểm tra những điểm thuộc yếu tố thành công then chốt của thị trường, sau đó kiểm tra lần lượt các yếu tố còn lại. Hãy hoàn thành việc kiểm tra theo checklist audit. Sau đó, xem lại tổng quan để phân cấp sự quan trọng của các lỗi và tiến hành chỉnh sửa theo mức độ ưu tiên này. 

1. Audit Technical

Technical SEO là quá trình đảm bảo website đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của các công cụ tìm kiếm với mục tiêu cải thiện thứ hạng tự nhiên. 

Các yếu tố quan trọng của Technical SEO bao gồm crawl, index và cấu trúc website. Đây thường là những lỗi không thể phát hiện ra khi chỉ nhìn trên giao diện người dùng nhưng lại gây ảnh hưởng đến khả năng crawl (theo dõi các loai liên kết và thu thâp dữ liệu trên website), index và ranking của Google với website.

Audit Technical giúp bạn phát hiện các vấn đề kỹ thuật của website và điều chỉnh để Google dễ dàng truy cập và thu thập thông tin. Đây là một yếu tố giúp cải thiện độ nhận diện và ranking tổng thể của một website.

Các lỗi Technical SEO thường gặp nhất sẽ bao gồm như:

- Các lỗi về Canonical (liên quan đến phiên bản www., không có www, HTTPS và HTTP chưa được 301 redirect

- Các lỗi về Keyword Cannibalization (có 2 hoặc nhiều trang cùng tối ưu trên 1 từ khóa gây ra tình trạng website bị kìm hãm)

- Tốc độ tải trang quá chậm

2. Audit content

Audit Content là quá trình phân tích và kiểm tra tổng quan nội dung trên một website để phát hiện những nội dung đã cũ, lỗi thời hoặc kém chất lượng.

Việc audit content giúp thay đổi toàn diện chất lượng content của website, cung cấp giá trị thực cho độc giả. Qua đó giúp cải thiện thứ hạng Google. Từ các case study thực tế của mình triển khai, nhiều website có mức tăng trưởng Organic Traffic gấp 2-4 lần sau khi hoàn thành Audit Content.

Google đánh giá chất lượng nội dung không chỉ qua từng bài viết, mà còn xem xét chất lượng nội dung trung bình của tất cả trang trên mỗi website. Tính trên tổng số trang, các trang có nội dung kém chất lượng chiếm hơn 50% thì thì website có nguy cơ bị phạt Panda (thuật toán Google giúp loại bỏ website chứa nội dung Spam).

Audit content thường được áp dụng cho các website đã đăng tải bài viết trong 1 thời gian, không dành cho website mới. Khi audit content cần xác định những vấn đề:

- Website đã có đầy đủ các trang thông tin (giới thiệu, sản phẩm, chính sách bảo mật,…) hay chưa?

- Nội dung trên các trang có thu hút hay không? Có thỏa mãn được người dùng khi tìm kiếm từ khóa hay không?

- Kết hợp cùng với việc nghiên cứu và nhóm từ khóa ở trên, bạn có thể lập Content strategy (chiến lược phát triển nội dung) cho website. Chiến lược này thường gồm 3 phần: thứ tự ưu tiên triển khai, thời gian hoàn thành và chi phí nguồn lực cần thiết.

3. Audit Onsite

Audit Onsite là quá trình kiểm tra các yếu tố hiện hữu trên website để đảm bảo không xuất hiện lỗi gây khó khăn cho người dùng khi đọc hiểu nội dung hoặc sử dụng tính năng trên web.

Audit Onsite giúp bạn đảm bảo website phục vụ tốt cho khách ghé thăm trang. Từ đó, tăng trải nghiệm người dùng. Đây cũng thường là bước đầu trong chiến lược tối ưu chuyển đổi trên website.

Các lỗi thường gặp nhất phải kể đến như:

- Cấu trúc website: có tối ưu khớp với thị trường hay chưa? Có giúp người đọc dễ dàng nắm bắt thông tin trên website hay không?

- Internal Link: các trang SEO chính có được Internal Link từ những trang khác hay chưa? Menu có nhiều Internal Link hay không?

- Giao diện: tối ưu theo nhu cầu hành trình khách hàng chưa? Các tính năng có trên web đã hoạt động tốt ở cả bản desktop lẫn mobile hay chưa?

4. Audit Entity

Audit Entity là quá trình rà soát các thông tin về doanh nghiệp, con người, dịch vụ, sản phẩm,… trên website giúp Google dễ dàng đọc, lưu trữ và truy xuất thông tin về các thực thể.

Lợi ích của Audit Entity là xây dựng thương hiệu doanh nghiệp độc nhất, uy tín trong mắt Google. Từ đây, Google hiểu rõ về sản phẩm/dịch vụ và tệp đọc giả/khách hàng mục tiêu và phân phối nội dung của bạn đến đúng đối tượng. Ngoài ra, khi entity của bạn được xác thực là uy tín, ranking của chủ đề liên quan cũng sẽ được cải thiện tổng quan.

Để Audit Entity hiệu quả bạn cần thực hiện kiểm tra:

- Thông tin onsite: Các thông tin đăng ký trên social và website (gồm tên doanh nghiệp, địa chỉ, số điện thoại) đã đồng nhất hay chưa?

- Kết hợp phần Audit Content: các nội dung lựa chọn triển khai có phù hợp với định hướng kinh doanh và tệp đọc giả mục tiêu hay không?

- Thông tin từ offsite: Các tài khoản mạng xã hội và website của doanh nghiệp lẫn chủ doanh nghiệp đã được liên kết với nhau hay chưa?

- Nhận diện tên thương hiệu: Khi search trên Google tên thương hiệu có lượng search hay không? Có dấu hiệu bất thường như bị giả mạo thương hiệu?

- Backlink: Nhận được backlink có đến từ những domain cùng chủ đề với content chất lượng?

5. Audit Offsite

Audit Offsite là quá trình xác định và giải quyết các vấn đề về profile backlink của website. Mục tiêu của công việc là đảm bảo kiểm soát chất lượng, số lượng backlink cũng như độ biến động về backlink trong mỗi giai đoạn web hoạt động.

Cần biết rằng, backlink là một yếu tố ảnh hưởng đến xếp hạng của Google, chỉ sau content. Nhờ vào việc kiểm tra định kỳ các yếu tố offpage, cải thiện được nguồn thông tin trên Internet đang nhắc đến và liên hệ đến thương hiệu và website của mình. 

Điều này ảnh hưởng đến độ uy tín của thương hiệu trong mắt người dùng và Google. Ngoài ra, bạn có thể xử lý kịp thời trong trường hợp bị đối thủ “yêu thương” tặng cho bạn những backlink kém chất lượng. 

Những điểm cần lưu ý khi Audit Offsite:

- Website/bài viết có backlink liên quan đến lĩnh vực không?

- Có backlink từ các trang web uy tín được Google tin tưởng không?

- Backlink có đa dạng từ nhiều site khác nhau hay chỉ từ một vài trang?

- Website trỏ link có được traffic tốt không? Có bị công cụ tìm kiếm Google phạt (trước đó) không?

Ngoài ra, vấn đề tối ưu quá liều Anchor Text thường khiến Google nghi ngờ bạn đang cố tình “thao túng”. Một trong những cách xử lý sau khi audit là sử dụng tính năng Disavow Backlink mà Google cung cấp một cách hiệu quả nhất.

Xây dựng cấu trúc website là bước thiết lập hệ thống thể hiện nội dung của website. Một cấu trúc website được tinh chỉnh tối ưu nhất là khi nó phục vụ được cho nhu cầu của khách hàng và Google Bot.

Lợi ích của việc tối ưu cấu trúc website là người dùng và Bot Google đều dễ khám phá; hiểu rõ chủ đề, sản phẩm, nội dung chính trên website và mối liên hệ của các page. Từ đó, thúc đẩy quá trình ranking tốt hơn.

Thông thường, mình sẽ ứng dụng mô hình cấu trúc website theo Silo. Dạng cấu trúc Silo sẽ chuyên sâu chia nội dung website thành các thư mục (category) riêng biệt. Những nhóm trong cấu trúc này được phân chia thứ bậc dựa trên Topic và Subtopic một cách ngăn nắp để lưu trữ những thông tin/nội dung mà mình đăng tải trên website. Trong đó nội dung nào liên quan sẽ được xếp chung nhóm với nhau.

Cấu trúc website được tối ưu hoàn thiện sẽ gồm các mục lớn sau:

- Cấu trúc Breadcrumb

- Cấu trúc URL

- Cấu trúc phân tầng Silo ảo cho Danh mục sản phẩm và sản phẩm

- Cấu trúc Navigation Bar

Tối ưu các yếu tố UX/UI

Ở góc độ SEO, UX nói đến cảm xúc và thái độ của một người khi trải nghiệm website. UI (User Interface) – giao diện người dùng là các yếu tố về đường nét, màu sắc, bố cục của giao diện website.

UI và UX là 2 yếu tố cần thiết đóng vai trò không thể thiếu đối với thành công của nhau. Một website với điều hướng người dùng bất tiện, khó hiểu (UX kém) có thể ảnh hưởng đến cả trải nghiệm của người dùng dù thiết kế của cả trang website có đẹp đến máy. Đồng thời, cho dù website của bạn thân thiện với người dùng đến mức nào (UX tuyệt vời), mà thiết kế giao diện website kém hấp dẫn (UI kém) có thể khiến người dùng nhàm chán và tỉ lệ Returning Visitor (Người dùng quay lại) giảm nhiều.

Vì UX và UI bổ sung cho nhau nên việc tối ưu hóa cả hai yếu tố này là vô cùng quan trọng. Làm cho cả hai đều đúng là điều cần thiết để trang web của bạn chuyển đổi hiệu quả và thăng hạng trong SERP.

2 yếu tố quan trọng này cần tối ưu song song nhằm đảm bảo tạo sự dễ chịu và hứng thú cho khách thăm trang và doanh nghiệp đạt được mục tiêu dẫn dắt hành vi người dùng.

UX thường tập trung vào:

- Luồng truy cập của người dùng

- Hành trình của họ trên website

- Cấu trúc website

Để đạt được mục đích trên, một số yếu tố onsite cần được kiểm tra và cải thiện là:

- Tốc độ tải trang

- Khoảng trắng (khoảng nghỉ mắt) giữa các phần nội dung

- Sử dụng màu sắc và hình khối giúp nổi bật các yếu tố cần thu hút người nhìn

Tùy vào tình hình sau khi audit onsite, bạn có thể quyết định điều chỉnh một số yếu tố để cải thiện web hoặc thiết kế lại mới hoàn toàn các trang quan trọng trên website. Lúc này, hãy tham vấn đơn vị thiết kế web uy tín để có thông tin về chi phí và thời gian hoàn thiện các điều chỉnh để có kế hoạch dự trù hợp lý mà không gián đoạn kế hoạch marketing của bạn.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn