Tự do tài chính là gì?

Tự do tài chính là gì?

Tự do tài chính là làm chủ tài chính của bản thân một cách độc lập. Cụ thể hơn, đây là trạng thái mà con người có đủ tiền để chi trả cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày hay đưa ra các quyết định mà không bị chi phối bởi tài chính. Những biểu hiện của một người có tự do tài chính là có một dòng tiền ổn định, được sống cuộc sống trong mơ, không phải lo lắng những hoá đơn và không phải gánh các khoản nợ,…

Cần bao nhiêu tiền để tự do tài chính?

Có thể bạn nghĩ rằng để đạt được ngưỡng tự chủ tài chính cần rất nhiều tiền và đặt ra câu hỏi “Cần bao nhiêu tiền để tự do tài chính?”. Nhưng thực tế thì không có một con số cụ thể để đạt mốc tự do tài chính. Bởi vì nhu cầu của mỗi người là khác nhau nên sự cân đối giữa thu nhập và chi tiêu là điều quan trọng nhất.

Bạn cần xác định được nhu cầu của bản thân để lập kế hoạch tài chính, tính toán các khoản thu chi và khoản tiền tiết kiệm cần có để cuộc sống dư giả, không phải suy nghĩ nhiều. Số tiền bạn cần chuẩn bị để được tự do tài chính phải đáp ứng được các chi phí, nhu cầu cơ bản của bản thân.

Quy tắc 4% trong tự do tài chính

Quy tắc 4% là nguyên tắc cơ bản mà người có kế hoạch tự do tài chính nghỉ hưu sớm cần nắm rõ và tuân thủ.

Có thể hiểu đơn giản, bạn đạt tự do tài chính khi đã sở hữu số tiền gấp 25 lần tổng chi phí sinh hoạt trong 1 năm của bản thân. Sau khi nghỉ hưu, mỗi năm bạn sẽ trích 4% số tiền mình có để phục vụ sinh hoạt, chi tiêu. 

Công thức tự do tài chính:

Chi phí chi tiêu 1 tháng  x  12 tháng / 4% = Số tiền cần để tự do tài chính

Ví dụ: Giả sử trung bình mỗi tháng bạn chi tiêu 10 triệu

Áp dụng công thức, ta có 10 triệu x 12 tháng / 4% = 3 tỷ

Hoặc 10 triệu x 12 tháng x 25 = 3 tỷ.

Đây là số tiền bạn cần tích lũy để mỗi năm có thể rút 4% mà không ảnh hưởng đến vốn gốc ban đầu. Khi tích lũy đến đây bạn có thể tự do tài chính nghỉ hưu sớm.

7 cấp độ tự do tài chính theo Grant Sabatier – Bạn đang ở đâu?


Cấp độ 1: Rõ ràng (Clarity)

Ở cấp độ thứ nhất này, bạn cần nắm rõ về tình hình tài chính cá nhân của bản thân. Cụ thể là xem xét bản thân có bao nhiêu tiền, nợ bao nhiêu, mục tiêu là gì,…

Cấp độ 2: Tự túc (Self – sufficiency)

Ở cấp độ này, bạn phải kiếm đủ số tiền để trang trải chi phí sinh hoạt mà không cần bất kỳ sự trợ giúp nào từ bên ngoài. Tuy nhiên, số tiền đó có thể đến từ lương hoặc những khoản vay khác của bạn. 

Cấp độ 3: Thư thái (Breathing room)

Vượt qua cấp độ 2 tức là bạn hoàn toàn đã tạo cho mình được một khoản kha khá để dành cho các mục tiêu như lập quỹ khẩn cấp và đầu tư cho hưu trí.

Cấp độ 4: Ổn định (Stability)

Để đạt được mức 4, bạn phải đảm bảo trả được nợ lãi suất cao và tích lũy đủ 6 tháng phí sinh hoạt vào quỹ khẩn cấp. Việc tiết kiệm vào quỹ khẩn cấp giúp đảm bảo tài chính của bạn sẽ không bị lung lay trước những trường hợp bất ngờ.

Cấp độ 5: Linh hoạt (Flexibility)

Một người đã tiết kiệm được ít nhất 2 năm chi phí sinh hoạt, thì chắc chắn là đang ở mức độ 5 của tự do tài chính. Đó không chỉ tính riêng tiền mặt mà còn có thể là tổng số tiền từ các tài khoản tiết kiệm và đầu tư, miễn là bạn có thể sử dụng chúng khi cần. Ở mức độ này, bạn có thể nghỉ công việc nhàm chán của mình mà không cần phải suy nghĩ quá nhiều.

Cấp độ 6: Độc lập tài chính (Financial Independence)

Để đến được đây, đòi hỏi bạn phải có sự thay đổi trong suy nghĩ để thoát khỏi những khuôn mẫu truyền thống về tài chính cá nhân. Bạn sẽ phải đầu tư phần lớn trong thu nhập của bạn hoặc có thể chuyển sang lối sống tối giản hơn để giảm đáng kể chi phí sinh hoạt. 

Cấp độ 7: Của cải dồi dào (Abundant wealth)

Bạn đang ở cấp độ 7 khi bạn có nhiều tiền hơn những gì bạn cần. Tiền bạc không còn là sự lo lắng và không phải là điều cần thiết cho sự tồn tại của bạn.



Nguyên tắc để đạt được ngưỡng tự do tài chính

Giảm nhu cầu vật chất

Dựa trên thực tế là nhiều người chi tiêu quá nhiều dẫn đến thiếu tiền, những người hướng đến sự tự do tài chính như chúng ta cần hiểu rõ hơn về nhu cầu vật chất của mình, đặc biệt là những thứ đồ xa xỉ. Nếu bạn tiếp tục lãng phí tiền vào những món đồ vô dụng, ngân sách của bạn sẽ bị thâm hụt và khoản tiết kiệm của bạn sẽ biến mất ngay lập tức.

Chi tiêu khôn ngoan hơn

Hãy cân nhắc mua những gì bạn thực sự cần cho học tập và công việc. Thay vì mua “tiêu sản”, bạn hãy mua “tài sản” vì tiêu sản sẽ biến mất còn tài sản sẽ giúp bạn kiếm thêm tiền. Trong đó, đầu tư cho học tập là khoản đầu tư sinh lời cao nhất, bởi kiến thức sẽ giúp ích cho bạn rất nhiều trong cuộc sống, chẳng hạn như: học cách tiêu tiền, học phương pháp đầu tư hiệu quả…

Tăng tích lũy tiền bạc

Tiết kiệm và tích lũy là nền tảng quan trọng trong việc xây dựng tự do tài chính. Lý do mà bạn cần có một khoản tích lũy dự phòng cho bản thân là để phục vụ cho những trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, quỹ dự phòng cũng đáp ứng các nhu cầu chi tiêu trong khoảng thời gian dài không làm việc.

Học cách đầu tư

Tiền đẻ ra tiền hay còn gọi là thu nhập thụ động chính là bí quyết để nhanh chóng đạt được sự tự do tài chính. Ngoài việc giảm nhu cầu chi tiêu, tăng tích lũy tiền bạc, bạn cũng cần học cách đầu tư số tiền mình có để sinh lời nhiều hơn.

Tăng nguồn thu nhập

Về cơ bản, để có được tự do tài chính, điều quan trọng là bạn cần đảm bảo thu nhập luôn lớn hơn chi tiêu. Do vậy, để làm giàu quỹ tài chính thì cần gia tăng mức thu nhập. Nhờ đó, bạn có thể đảm bảo mức sống mà không cần giới hạn một khoản chi tiêu nào. Có thể nói, thu nhập càng cao thì càng nhanh đạt được tự do tài chính.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn