Tầng lớp xã hội và nạn hiếp dâm ở Ấn Độ

Ngoài sự phân biệt đẳng cấp và giới tính, những câu chuyện thần thoại cũng khiến nhiều người Ấn Độ cảm thấy những vụ cưỡng hiếp không phải là điều gì quá xa lạ.



1. Tôn giáo ở Ấn Độ

Ấn Độ giáo hay còn gọi gọn là Ấn giáo hay Hindu giáo là tên chỉ những nhánh tôn giáo chính có tương quan với nhau và hiện còn tồn tại ở Ấn Độ. Khoảng 80% người Ấn Độ tự xem mình là người theo Ấn Độ giáo và người ta cho rằng, có khoảng 30 triệu người theo Ấn Độ giáo sống tại hải ngoại.

2. Đạo Hindu thờ những vị thần nào?

Đạo Hindu thờ hơn một triệu các vị thần khác nhau, trong đó, ba vị thần quan trọng nhất là thần Shiva – đấng tạo hóa và thần Vishnu – đấng bảo vệ muôn loài và Brahma. Đã là người theo đạo Hindu, hầu hết ai cũng rất tin và sùng đạo, hàng ngày thờ cúng tại nhà và thường xuyên đến đền. Người theo đạo Hindu hết sức tin và sùng đạo.

Thần Brahma

Thần Brahma là thần của mọi tri thức, thường xuyên mang theo bộ kinh veda thiêng liêng.  Thần chui ra từ quả trứng vàng trôi nổi trên làn nước nguyên thủy, dùng hai mảnh vỏ trứng tạo nên trời đất. Brahma là hiện thân của Thượng Đế. Tuổi thọ của thần Brahma được tính là 100 năm trời. Mỗi năm trời có 365 ngày đêm. Mỗi ngày trời (kalpa) bằng 4 triệu 320 ngàn năm trái đất.

Thần Brahma có bốn tay, bốn đầu nhìn bốn phương trời. Thần Brahma phối ngẫu với nữ thần của khôn ngoan Sarasvati, nhưng cũng có khi với nữ thần diễn từ Vach hay với vú nuôi Gayatri.

Thần Brahma đã sống 51 năm trời. Mỗi lần sinh nhật của thần Brahma là một lần vũ trụ bị hủy diệt rồi được xây dựng mới.



Thần Vishnu

Thần Vishnu là vị thần cao nhất, là thần sáng tạo, còn được gọi là thần tay phải (tay phải đưa lên,khuỷu tay gấp lại cong lên ,  lòng bàn tay phải đua ra trước (động tác abhayamudra: không kinh sợ). Những vật thường có ở nơi Vishnu là một ốc tù và, một tràng hạt cầu kinh, một hoa sen. Vishnu là hiện thân của sự ổn định nữ tính và khả năng sinh thành. Vishnu được mô tả với bốn cánh tay, nhiều đầu, có nhiều hóa thân khác nhau (avataras) nhằm gìn giữ đạo đức và văn minh của nhân loại. 



Thần Shiva

Thần Shiva tượng trưng cho phương diện nam tính của vũ trụ: có tính tàn phá, bất khả tiên liệu,  vì thần cũng là một lực sinh hóa. Thần biểu lộ lưỡng tính với những đối cực từ khổ hạnh đến dục lạc cuồng phong. Tùy theo tâm trạng và ý đồ mà Shiva là hiện thân cho Đấng Sáng tạo, Đấng Bảo lưu, Đấng Hủy diệt. Shiva hay trầm tư quán tưởng trong ngôi nhà tâm linh ở trên núi Kailas trong dãy Himalayas.

Shiva thường được trình bày là dương vật cương cứng (linga), biểu thị khả năng sáng tạo của thần với tư cách là “người cho hạt giống“.Người phối ngẫu của Shiva là Shaktis. Shakis thường được trình bày là yoni, xuất hiện với nhiều khuôn mặt khác nhau: khi là nữ thần Mahadevi vĩ đại đầy năng động, khi là Parvati con gái của Sơn thần Himalayas, khi là Gauri, Sati hay Uma trong lúc khuyến thiện, nhưng cũng có thể xuất hiện là nữ thần Kali hay Durga khủng khiếp trong lúc ra tay trừng ác. Con vật mà thần Shiva cưỡi là bò mộng Nandin. Shiva còn vào vai của Chúa tể của Nghệ thuật múa Nataraja (còn gọi là Người điều lý nhịp điệu vũ trụ).



Các tầng lớp xã hội ở Ấn Độ

Chế độ đẳng cấp đã ăn sâu trong cấu trúc xã hội của Ấn Độ và tác động mạnh mẽ lên mặt văn hóa. Chế độ đẳng cấp là một hệ thống xã hội phân tầng có nguồn gốc từ thời kỳ cổ đại Ấn Độ. Nó là một hệ thống phức tạp, phân chia mọi người thành các nhóm tầng lớp khác nhau dựa trên ngày sinh, nghề nghiệp và vị trí xã hội của họ. 

Đạo Bà-la-môn phát triển đến thế kỷ thứ nhất sau Tây lịch thì cải biến thành Ấn Độ giáo. Tôn giáo này quy định thứ tự của các đẳng cấp trong xã hội Ấn Độ như sau:

- Bà-la-môn (Brahman) gồm những Giáo sĩ, tu sĩ, triết gia, học giả và các vị lãnh đạo tôn giáo, tức là những người giữ quyền thống trị tinh thần, phụ trách về lễ nghi, cúng bái. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp cao thượng nhất, sinh từ miệng Brahma thay ông cầm cương lãnh đạo tinh thần dân tộc, nên có quyền ưu tiên được tôn kính, và an hưởng cuộc đời sung sướng. Dân chúng Ấn Độ rất tôn sùng đẳng cấp này.

- Sát-đế-lỵ hay Sát-đế-lợi (Kshastriya) là hàng vua chúa quý tộc, quan lại, võ tướng. Ấn Độ giáo coi họ sinh từ cánh tay Brahma, thay mặt cho Brahma nắm giữ quyền hành thống trị dân chúng.

- Vệ-xá (Vaisya) là những người bình dân, thương gia, nông dân. Ấn Độ giáo coi họ sinh ra từ bắp vế Brahma, có nhiệm vụ đảm đương về kinh tế trong nước (mua bán, trồng trọt, thu hoa lợi cho quốc gia).

- Thủ-đà-la (Sudra) là hàng tiện dân. Ấn Độ giáo coi họ sinh từ gót chân Brahma, phải thủ phận và phải phục vụ các giai cấp trên.

- Chiên-đà-la (Ba-ri-a, Pariah, Dalit) là giai cấp người cùng khổ. Ấn Độ giáo coi họ là đẳng cấp hạ tiện nhất. Họ phải làm các nghề hạ tiện nhất (gánh phân, dọn nhà vệ sinh, giết mổ gia súc), bị coi như sống ngoài lề xã hội loài người, bị các giai cấp trên đối xử như thú vật, bị coi là thứ ti tiện, vô cùng khổ nhục, tối tăm, không được chạm tay vào người thuộc các đẳng cấp khác, thậm chí không được giẫm lên cái bóng của những người thuộc đẳng cấp cao như Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ.


Ấn Độ giáo này quy định rất nghiêm khắc về sự phân biệt các đẳng cấp người tại Ấn Độ:

Tổ tiên thuộc đẳng cấp nào thì con cháu cũng thuộc đẳng cấp đó, dù có gắng phấn đấu đến đâu thì cũng không thể được xếp lên đẳng cấp cao hơn (ví dụ: một người Thủ-đà-la dù tài năng, chiến đấu dũng cảm, lập nhiều chiến công thì cũng mãi chỉ là lính, không bao giờ được bổ nhiệm làm tướng quân vì chức vị đó chỉ dành cho người thuộc đẳng cấp Sát-đế-lỵ trở lên).

Người thuộc các đẳng cấp chênh lệch xa thì không được kết hôn với nhau (ví dụ: một người thuộc đẳng cấp Bà-la-môn, Sát-đế-lỵ thì có thể kết hôn với 1 người cũng thuộc đẳng cấp Bà-la-môn hoặc Sát-đế-lỵ, cùng lắm cũng chỉ kết hôn với 1 người Vệ-xá giàu có, chứ tuyệt đối không được kết hôn với Thủ-đà-la trở xuống).

Một số công việc chỉ dành cho người thuộc đẳng cấp cao, đẳng cấp thấp hơn không được phép làm, nếu vi phạm sẽ bị trừng phạt (ví dụ: việc cúng tế tôn giáo chỉ có đẳng cấp Bà-la-môn được phép làm; chức vị quan lại, tướng quân chỉ có đẳng cấp Sát-đế-lỵ trở lên được phép làm)

Cuộc "khủng hoảng" nạn trọng nam khinh nữ

Ấn Độ là đất nước đang vật lộn với sự mất cân bằng tỷ lệ giới tính do phá thai, lựa chọn giới tính bất hợp pháp. Điển hình rõ nhất là ở huyện Uttarkashi, bang Uttarakhand (Ấn Độ) có 216 bé trai và không có bé gái nào được sinh ra ở 132 ngôi làng trong khu vực này từ tháng 4 đến tháng 6/2019.
 
Ấn Độ đã cấm lựa chọn giới tính thai nhi từ năm 1994 nhưng tình trạng nạo phá thai nữ vẫn tiếp diễn ở đất nước này, nơi vẫn rất nặng nề tư tưởng “trọng nam khinh nữ”. Họ quan niệm rằng đàn ông thì mới làm ra của cải, vật chất còn phụ nữ chỉ biết dựa dẫm, “ăn bám”. Tỷ lệ mất cân bằng giới tính nghiêm trọng này cho thấy dấu hiệu báo động của tình trạng nạo phá thai nhi nữ tràn lan. Thống kê dân số Ấn Độ năm 2018 cho thấy, nước này đang thiếu khoảng 63 triệu phụ nữ do tình trạng trọng nam khinh nữ.
 
Tại Ấn Độ, trước khi có thể lựa chọn giới tính thai nhi, các bé gái mới sinh thường bị đầu độc, bóp cổ, dìm chết, bị bỏ đói hoặc đơn giản là bị bỏ mặc cho đến chết. Năm ngoái, cảnh sát đã phát hiện 19 vụ lựa chọn giới tính thai nhi ở gần một bệnh viện tại bang Maharashtra. Họ bị phát hiện khi các cảnh sát đang điều tra cái chết của một phụ nữ trong lúc nạo phá thai bất hợp pháp.
 
Trong xã hội gia trưởng như Ấn Độ, con trai được coi là trụ cột gia đình tương lai và có nghĩa vụ chăm sóc cha mẹ khi về già. Còn con gái thường bị coi là “tốn kém” vì các cha mẹ có con gái phải chịu áp lực dành tiền của hồi môn cho con gái khi lấy chồng mặc dù phong tục này đã bị cấm từ năm 1961. Của hồi môn gây áp lực nặng nề với các gia đình có con gái đến tuổi kết hôn. Ước tính, số tiền này cao gấp 6 lần thu nhập trung bình hằng năm của các hộ gia đình ở Ấn Độ. Mặc dù yêu cầu của hồi môn bị cấm và có thể bị truy tố nhưng các gia đình ở Ấn Độ vẫn thường tiết kiệm của hồi môn ngay khi bé gái chào đời.
 
Theo truyền thống, các cô gái Ấn Độ phải tự xoay xở số tiền hồi môn đắt đỏ trong đám cưới của mình, trong khi đàn ông được coi là tài sản đắt giá mang tên gia tộc và được phép thực hiện các nghi lễ quan trọng của Ấn Độ giáo. Các nhà hoạt động nhân quyền cho biết, nhiều gia đình chỉ muốn có con trai và sẵn sàng phá bỏ thai nhi nữ cho tới khi sinh được con trai mới thôi.


Số vụ hiếp dâm cao - tỷ lệ kết án ít



Vụ việc một bác sĩ thực tập ở Kolkata bị cưỡng hiếp và giết hại hồi tuần trước đã khiến phụ nữ khắp Ấn Độ xuống đường tuần hành nhằm yêu cầu nhà nước cần mạnh tay hơn với những vụ án này.

Mặc dù, chính phủ Ấn Độ đã thực hiện những thay đổi sâu rộng đối với hệ thống tư pháp hình sự, bao gồm các bản án nghiêm khắc hơn, sau vụ 1 phụ nữ 23 tuổi bị hiếp dâm tập thể và giết hại trên xe buýt ở New Delhi năm 2012. Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng này ở Ấn Độ có rất ít thay đổi.

Theo dữ liệu từ Cục Hồ sơ tội phạm quốc gia (NCRB), vào thời điểm xảy ra vụ việc, cảnh sát đã ghi nhận tới 25.000 vụ hiếp dâm mỗi năm trên khắp Ấn Độ.

Kể từ đó, hàng năm, số vụ việc vẫn ở mức trên 30.000, ngoại trừ năm 2020 xảy ra đại dịch COVID-19 khiến con số này giảm mạnh.

Các vụ tấn công lên đến đỉnh điểm với gần 39.000 vụ vào năm 2016. Theo báo cáo của chính phủ, vào năm 2018, trung bình cứ 15 phút lại có 1 phụ nữ trên toàn quốc báo cáo bị hiếp dâm.

Theo dữ liệu mới nhất, năm 2022 có hơn 31.000 vụ hiếp dâm được báo cáo.

Con số này vẫn liên tục ở mức cao, ngay cả khi chính quyền tăng cường hình phạt, bao gồm mức án tối thiểu là 10 năm tù có thể kéo dài đến chung thân, hoặc tử hình nếu nạn nhân dưới 12 tuổi. Những cải cách pháp lý khác bao gồm mở rộng định nghĩa về hiếp dâm, đưa ra tòa án xét xử nhanh và giảm ngưỡng độ tuổi để những thủ phạm 16 tuổi phạm tội danh này có thể bị xét xử như người lớn.

Luật sư hình sự cao cấp Rebecca M. John, người đại diện cho nhiều nạn nhân bị hiếp dâm, cho biết, mặc dù pháp luật quy định rõ ràng nhưng một số kẻ hiếp dâm vẫn tin rằng chúng có thể thoát tội.

"Một trong những yếu tố đó là không có nỗi sợ pháp luật" - bà nói - "Luật pháp không nhất quán, đó là một trong những nguyên nhân khiến tội phạm này vẫn cao. Ngoài ra, cảnh sát chưa hành động quyết liệt trong lĩnh vực này". John cho biết, một số thẩm phán đã rất miễn cưỡng trong việc kết án kể từ khi những bản án nghiêm khắc hơn được đưa ra.

Ấn Độ là một trong những quốc gia có tỉ lệ hiếp dâm, tấn công tình dục phụ nữ cao nhất thế giới nhưng những vụ việc được đưa ra ánh sáng rất ít, bởi nhiều phụ nữ không tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc không có niềm tin vào luật pháp.

Năm 2018, một người đàn ông 26 tuổi ở miền trung Ấn Độ bị kết án tử hình chỉ sau 3 tuần anh ta phạm tội hiếp dâm và giết hại 1 bé gái.

Năm 2019, cảnh sát đã bắn chết 4 người đàn ông bị tình nghi cưỡng hiếp và giết một bác sĩ thú y 27 tuổi gần thành phố Hyderabad ở phía nam. Các nghi phạm đã bị giam giữ và cảnh sát cho biết 4 người này đã bị bắn chết gần hiện trường vụ án, nơi họ cố gắng cướp vũ khí của cảnh sát.

Năm 2020, vụ việc cô gái 19 tuổi ở quận Hathras, miền bắc Ấn Độ bị hiếp dâm tập thể và qua đời vài tuần sau đó tại bệnh viện đã gây phẫn nộ trên toàn quốc.

Vì sao cứ 15 phút sẽ có 1 phụ nữ Ấn Độ bị cưỡng hiếp?

Nguyên nhân sâu xa

Người Ấn có câu "nuôi một đứa con gái giống như tưới nước cho cây nhà hàng xóm". Điều này cho thấy tại Ấn Độ người phụ nữ ở vị thế thấp hơn so với nam giới. Kinh văn tôn giáo tại Ấn Độ cũng phản ánh sự thiếu tôn trọng dành cho phụ nữ. 

Kho tàng truyền miệng Hindu giáo mang màu sắc huyền bí có những mẩu chuyện đề cập đến việc cưỡng hiếp. Chẳng hạn, thần Vishnu được cho là đã cưỡng bức nàng Tulsi/Vrinda bằng cách giả trang thành chồng của nàng. Hành vi này được ca ngợi và cho là điều đúng đắn bởi lẽ người Ấn cổ đại tin rằng không ai có thể đánh bại Shankachuda/Jalandhar, chồng của Tulsi, trên chiến trường trừ khi sự trong trắng của vợ anh ta bị hủy hoại. Vì thế, thần Vishnu được tôn vinh như một anh hùng.

Hàng loạt nguyên nhân khác nhau

1. Tư tưởng trọng nam khinh nữ

Tư tưởng trọng nam khinh nữ hay nói cách khác là vị trí của phụ nữ không được đề cao trong xã hội là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng hiếp dâm tại nước này. Theo kết quả điều tra của phóng viên Wall Street Journal đầu năm 2013 cho thấy, 33% nguyên nhân nạn hiếp dâm là ở lí do phụ nữ bị thiếu tôn trọng. Nhiều gia đình lo sợ phải đóng phạt khi sinh con gái hoặc lo của hồi môn cho con gái khi lấy chồng nên đã chọn giới tính cho con.

2. Đổ lỗi cho phụ nữ ăn mặc khiêu gợi: Những kẻ phạm tội cho rằng phụ nữ ăn mặc khiêu gợi, hút thuốc, uống rượu hay ra ngoài vào ban đêm là nguyên nhân. Bọn chúng cho rằng, phụ nữ ăn mặc như vậy là “lời mời” hiếp dâm.

3. “Yêu râu xanh” xem nhiều phim khiêu dâm và ăn “thực phẩm bổ dưỡng”.

4. Các đối tượng sử dụng ma túy, rượu…làm giảm tư duy và mất khả năng kiểm soát hành động.

5. Thiếu giáo dục: Theo các nghiên cứu cho thấy, nhiều trường hợp hiếp dâm đều do các nhóm thanh niên thất nghiệp thực hiện. Trong những vụ hiếp dâm tập thể, các đối tượng này đa phần do tâm lí bị kích thích, đặc biệt khi đi cùng một nhóm bạn.

6. Không đủ cảnh sát, đặc biệt cảnh sát nữ: Trên thực tế, Ấn Độ không đủ cảnh sát để bảo vệ những người dân bình thường. Số lượng cảnh sát nữ lại chiếm rất ít. Vì vậy, những nạn nhân thường ngại trình bày sự việc. Trường hợp mới đây, thiếu nữ bị hiếp trên tàu đến trình báo cảnh sát ba ngày sau khi bị tấn công vì không đủ can đảm.

7. Thiếu an toàn công cộng: Theo Washintonpost, phụ nữ thường không được bảo vệ ở những nơi công cộng, vì vậy, các vụ cưỡng hiếp thường xảy ra trên xe buýt, đường phố, nhiều đường phố không có đèn, không đủ nhà vệ sinh…

8. Kì thị xã hội và chiêu khuyến khích các nạn nhân nhượng bộ: Các nạn nhân thường bị mọi người xa lánh và kì thị nên thường ít phơi bày sự việc. Hơn nữa, họ còn bị khuyến khích “thỏa thiệp” với gia đình hung thủ và cưới hung thủ làm chồng. Điều này càng trở thành cơ hội thuận lợi cho những kẻ “yêu râu xanh”.

9. Lỗ hổng trong vấn đề luật pháp: Đây là nguyên nhân tạo điều kiện thuận lợi cho các vụ cưỡng hiếp bùng phát mạnh mẽ tại đất nước này. Theo điều tra của Wall Street Journal, lỗ hổng trong luật pháp chiếm 34% nguyên nhân. Hệ thống tòa án tại Ấn Độ làm việc rất chậm chạp, một phần vì thiếu các thẩm phán.  Cảnh sát thì lơ là công việc. Hơn nữa, theo trang Policymic, các báo cáo năm 2012 cho thấy, 706 trường hợp hiếp dâm được báo cáo lên cảnh sát Delhi, tuy nhiên, chỉ một trường hợp bị kết án. Với cơ hội cao khi không bị các cáo buộc hay xử phạt nặng, đó cũng là điều dễ hiểu tại sao hiếp dâm lại hoành hành từng ngày, từng giờ tại Ấn Độ.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn