Tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam

Sàn giao dịch chứng khoán là gì?

Sàn giao dịch chứng khoán là nền tảng để mua, bán và trao đổi các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu và các loại chứng khoán khác. Để một công ty được "niêm yết" trên một sàn giao dịch chứng khoán, công ty đó sẽ cần đáp ứng các điều kiện về vốn điều lệ, số lượng cổ đông, phương án phát hành, tình hình tài chính, minh bạch thông tin…

Hiện nay, các loại chứng khoán giao dịch hàng ngày ở Việt Nam được tổ chức niêm yết, mua bán trên 3 sàn giao dịch chứng khoán: HOSE, HNX và UPCOM. Các sàn này trực thuộc sự quản lý của Bộ Tài Chính và Ủy Ban Chứng Khoán Nhà nước.

Sàn chứng khoán Upcom (Unlisted Public Company Market) là nơi giao dịch chứng khoán của các công ty đại chúng chưa đủ điều kiện niêm yết trên sàn HNX và sàn HOSE vì một lý do nào đó như quy mô, kết quả kinh doanh, quản trị, v.v. Tuy nhiên, mọi giao dịch chứng khoán trên sàn chứng khoán Upcom vẫn đảm bảo an toàn vì chịu sự quản lý của Nhà nước và được pháp luật bảo vệ.

Giá chứng khoán được xác định thế nào trên sàn

Hiểu cách thức giá được xác định là một việc quan trọng khi tìm hiểu về tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam. Nói một cách dễ hiểu, giá chứng khoán trên các sàn giao dịch chứng khoán được điều chỉnh bởi cung và cầu của những người giao dịch.

Khi nhà đầu tư đặt lệnh mua bán chứng khoán với một mức giá và khối lượng nhất định, hệ thống của các sàn giao dịch sẽ tự động tìm kiếm các bên mua bán và khớp với nhau theo mức giá và khối lượng đã đặt.

Điều đó cũng có nghĩa là, nếu bạn đặt giá mua quá thấp, không ai đồng ý bán cho bạn thì lệnh mua của bạn sẽ không được khớp. Và tương tự với trường hợp ngược lại khi bạn đặt giá bán quá cao.

Nếu có nhiều nhu cầu về một cổ phiếu, các nhà đầu tư sẽ muốn mua nhiều cổ phiếu hơn so với số lượng người bán muốn bán, khi đó giá sẽ tăng cao hơn. Ngược lại, nếu nhiều nhà đầu tư bán cổ phiếu hơn người mua, giá thị trường sẽ giảm.

Mức biến động giá trên sàn chứng khoán

Khác với một số nước trên thế giới, các sở giao dịch chứng khoán Việt Nam quy định rất rõ việc giá chứng khoán có thể tăng giảm bao nhiêu % trong 1 ngày giao dịch, vì lẽ đó nên bạn thường nghe nói đến giá trần và giá sàn. Giá tham chiếu thông thường là giá đóng cửa của phiên hôm qua hoặc phiên niêm yết gần nhất trước đó.


Như vậy, nếu bạn mua cổ phiếu niêm yết trên sàn HOSE và mong muốn lời gấp đôi sau 1 tuần giao dịch, việc này là không thể xảy ra. Nếu cả 5 phiên liên tiếp cổ phiếu tăng kịch trần (7% mỗi phiên), sau 5 phiên cổ phiếu chỉ có thể tăng tới ~40%. Hiểu rõ “biên độ dao động giá” so với giá tham chiếu rất quan trọng trong việc tính toán mục tiêu lợi nhuận và mức rủi ro khi đầu tư chứng khoán.

Giờ giao dịch - Các loại lệnh giao dịch

Về tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam, các Sàn GDCK ở Việt Nam mở cửa từ 9h sáng đến 3h chiều vào các ngày trong tuần, đóng cửa vào thứ 7, Chủ nhật và các ngày nghỉ lễ theo quy định của Nhà nước.

Các phiên khớp lệnh

  • Khớp lệnh định kỳ: hệ thống sẽ thu thập các lệnh và so khớp giá ở cuối phiên
  • Khớp lệnh liên tục: hệ thống sẽ khớp lệnh liên tục ngay khi lệnh được nhập vào hệ thống
  • Khớp lệnh thỏa thuận: việc này thường diễn ra với sự hỗ trợ của công ty môi giới chứng khoán. Bạn có một lệnh bán với khối lượng lớn và mong muốn tìm người mua với mức giá phù hợp. Công ty môi giới chứng khoán sẽ giúp bạn sắp xếp việc này. Giá mua bán do hai bên tự thỏa thuận, không thông qua khớp lệnh trên sàn

Các loại lệnh

Khi tìm hiểu tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam, nhà đầu tư cũng không thể bỏ qua các loại lệnh giao dịch.

  • Lệnh ATO, lệnh ATC: lệnh giá mở cửa và đóng cửa. Mức giá này sẽ là kết quả cuối phiên khớp lệnh định kỳ.
  • MP (Market Price): lệnh thị trường. Lệnh với giá MP sẽ được khớp với mức giá tốt nhất trên thị trường tại thời điểm lệnh nhập vào hệ thống.
  • LO (Limit order): lệnh giới hạn. Khi đặt lệnh giới hạn, bạn sẽ đưa ra một mức giá cụ thể. Ví dụ, mua cổ phiếu ACB với lệnh giới hạn ở mức 30.000 đồng/cổ phiếu, nghĩa là bạn chỉ muốn mua ở giá 30.000đ hoặc rẻ hơn; tương tự với bán: bạn chỉ muốn bán với giá 30.000đ hoặc cao hơn.
  • MTL (Market to Limit): Lệnh thị trường nếu không khớp được thì sẽ tự động chuyển sang lệnh LO với mức giá gần nhất.
  • MAK (Match AND Kill): Lệnh thị trường nếu không khớp được cả lệnh thì sẽ cố gắng khớp được một phần, và hủy phần còn lại. Ví dụ đặt mua 200 cổ phiếu MAK, chỉ có bên bán 100 cổ phiếu. Khớp 100 và hủy 100 cổ phiếu còn lại.
  • MOK (Match OR Kill): Lệnh thị trường nếu không khớp được cả lệnh thì hủy cả lệnh. Ví dụ đặt mua 200 cổ phiếu MAK, chỉ có bên bán 100 cổ phiếu. Hủy cả lệnh vì không thể mua đủ 200 cổ phiếu cùng một lúc. 

T+ 2 - Thời gian thanh toán bạn cần biết

Nếu mua hàng online bạn phải chờ hàng được “ship” đến nhà thì mua cổ phiếu cũng vậy. Quy định thanh toán áp dụng trên cả ba sàn giao dịch HOSE, HNX và UPCOM đều là T+2.

Mua cổ phiếu

Nếu bạn mua cổ phiếu vào ngày thứ 2, 22/07. Tiền của bạn sẽ bị trừ trên tài khoản, tuy nhiên đến 16h hai ngày làm việc tiếp theo (T+2), cổ phiếu mới về đến tài khoản của bạn. Nghĩa là đến 16h, chiều ngày thứ 4, 24/07, bạn mới nhận được cổ phiếu trong tài khoản của mình. Đến phiên kế tiếp (T+3), bạn mới có quyền bán cổ phiếu đó đi. Quy định T+2 giúp hạn chế các hành động mua bán cổ phiếu giao ngay trong cùng một phiên giao dịch nhằm mục đích thao túng giá.

Bán cổ phiếu

Nếu bạn bán cổ phiếu vào ngày thứ 2, 22/07, bạn đã không còn sở hữu cổ phiếu tại thời điểm lệnh được khớp, tuy nhiên, phải chờ đến 2 ngày sau, tiền mới về đến tài khoản của bạn. Nghĩa là 8h sáng ngày thứ 4, 24/07, bạn mới có quyền sử dụng tiền của mình.

Bạn cần nhớ kĩ chu kỳ thanh toán này để chủ động trong nguồn tiền cũng như các dự định mua đi bán lại cổ phiếu.

Trên đây là những thông tin tổng quan thị trường chứng khoán Việt Nam. Khi đã hiểu rõ về thị trường và cách thức thị trường hoạt động, bạn sẽ có thể chủ động trong việc giao dịch trên thị trường chứng khoán.

Đăng nhận xét

Mới hơn Cũ hơn