(Bài viết này được viết theo quan điểm của cá nhân tác giả bài viết - Dũng Phan - Một "writer" trẻ nhiệt huyết, có cái nhìn khách quan và đặc biệt yêu thích lịch sử
Nguồn được để cuối bài viết)Lời tựa: Cái tiêu đề đã nói lên tất cả ... Nếu ai đó đã từng đọc những cuốn sách viết về ông thì sẽ thấy được sự vĩ đại đó: Từ phong thái đến tầm nhìn, kiến thức ... Mình không biết nói gì hơn, hãy đọc và cảm nhận.
***Khi bắt đầu bài viết này, tôi tự hỏi sẽ viết như thế nào để có thể đưa vị tướng tình báo này đến với các bạn. Khi Phạm Xuân Ẩn vốn dĩ là một hình tượng đã quá quen thuộc suốt một thập kỷ qua. Tên tuổi ông, chiến công của ông đã đến với mọi người qua 5 cuốn sách và 1 bộ phim tư liệu dài kỳ của đài HTV. Bản bi hùng ca của dân tộc này không chỉ ở những người mẹ , người lính.
Đầu tiên, nếu các bạn thích chủ đề về Chiến tranh thế giới thứ 2, hẳn bạn sẽ biết về một trong những điệp viên tình báo giỏi nhất của thế kỷ XX: siêu điệp viên Richard Sorge – người được coi là điệp viên vĩ đại nhất lịch sử Liên Xô. Lý do mà ông được tôn vinh bởi một thông tin và phân tích có giá trị lớn khủng khiếp: Cuối năm 1941, Richard Sorge thông báo cho Bộ chỉ huy tối cao Liên Xô rằng Nhật Bản sẽ không mở mặt trận phía đông trong tương lai gần. Điều này đã khiến cho Liên Xô chuyển 18 sư đoàn, 1.700 xe tăng và 1.500 máy bay từ Viễn Đông về mặt trận phía Tây chống phát xít Đức, tham gia trận đánh bảo vệ thủ đô Matxcơva mà không lo bị quân Nhật tấn công. Thông tin tình báo ấy đã giúp Liên Xô lật ngược được thế cờ tại Stalingrad và đưa chiến tranh thế giới thứ hai sang một bước ngoặt mới.
Và ở Việt Nam, Phạm Xuân Ẩn cũng có một thông tin tình báo tương tự như thế trong cuộc chiến tranh Việt Nam.
Năm 1973, hiệp định Paris được ký kết, qua đó chấm dứt chiến tranh tại Việt Nam. Mỹ sẽ rút quân ra khỏi miền Nam Việt Nam. Tổng thống miền Nam Việt Nam Nguyễn Văn Thiệu rất tức giận, bởi ông biết rằng Lê Đức Thọ đã thắng Kissinger trong cuộc thương lượng này. Với một khía cạnh có 4 chữ “ngừng bắn tại chỗ”. Vấn đề là quân đội miền Bắc lúc đó đã nằm ở miền Nam. Thiệu vừa lo lắng vừa tức giận vì điều đó có nghĩa Mỹ đã bỏ rơi miền Nam và gián tiếp cho phép quân đội miền Bắc được ở lại miền Nam. Để động viên đồng minh, Nixon hứa với Thiệu nếu có bất kỳ sự tấn công nào từ phía Bắc Việt, B52 lập tức được điều động. Nhưng rồi, giống như số phận đã chết, vụ bê bối Watergate khiến Nixon từ chức. Gerald Ford lên thay và đảm bảo “những cam kết với Nam Việt Nam vẫn được đảm bảo”. Nhưng rất ít người tin điều này. Bởi đảng dân chủ đã thắng thêm 40 ghế.
Phạm Xuân Ẩn đã theo sát tất cả các diễn biến ấy. Ngưng lại một chút để chúng ta nói thêm về “ông tướng Givral” (biệt danh của Phạm Xuân Ẩn): Phạm Xuẩn Ẩn không chỉ là một nhà tình báo thông tin, ông còn là một nhà tình báo phân tích chiến lược, một bộ óc sắc sảo và đôi mắt cú vọ, bằng các mối quan hệ và sự thông minh của mình. Phạm Xuân Ẩn không chỉ báo cáo thông tin một cách bình thường, ông còn thực hiện việc phân tích nó, tổng hợp xâu chuỗi logic các sự kiện và cho ra kết luận cuối cùng để Bộ chính trị miền Bắc quyết định sách lược. Ví dụ khi thấy Mỹ thực hiện một hành động. Người bình thường sẽ báo cáo “Mỹ hành động”. Nhưng Phạm Xuân Ẩn sẽ phân tích hành động đó và viết “Mỹ dự định”. Tôi cần lưu ý điều ấy cho các bạn, để hiểu rằng sự xuất sắc đặc biệt của điệp viên tình báo này không phải theo suy nghĩ thông thường là đưa tin.
Quay lại câu chuyện, khi đảng cộng hòa mất đa số ghế ở Hạ Viện và Thượng Viên. Một báo cáo được gửi về trung ương cục do Phạm Xuân Ẩn ký tên: “Mỹ sẽ không còn quay lại miền Nam Việt Nam nữa”. Bộ chính trị - vốn trước giờ đã mặc định X6 là người xuất sắc nhất mà họ có, cũng rất dè dặt trước 11 chữ đó. Và Miền Bắc quyết định thử nghiệm xem nhận định của Phạm Xuân Ẩn có chính xác hay không? Cách Sài Gòn 120km là Phước Long. Trần Văn Trà – vị tướng mang gươm báu về Nam nhận quyết định tấn công Phước Long. 13/12/1974, Phước Long thất thủ. Miền Bắc ăn mừng trong sự chờ đợi hồi hộp. Vì 2 điểm:
1/ SaiGon không cứu được Phước Long, còn Phước Long thất thủ quá dễ dàng. Điều này cho thấy quân đội miền Nam không thể chống lại được sức mạnh của miền Bắc.
2/ Vấn đề là Mỹ có can thiệp hay không?
Sư đoàn thủy quân lục chiến tại Okinawa được báo động. Miền Bắc Việt Nam chờ đợi. Nhưng không có hành động nào xảy ra. Và Đại tướng Võ Nguyên Giáp biết Phạm Xuân Ẩn đã đúng. Ông quyết định tổng tấn công mùa xuân 1975. Phần còn lại tất cả chúng ta đều đã biết. Phạm Xuân Ẩn được thưởng huân chương quân công nhờ bản báo cáo ngày ấy. Có thể nói rằng, lịch sử ngày 30/4/1975 được bắt đầu từ nhận định của một con người nhỏ bé ngày hôm ấy.
Âm vang hôm nay, báo cáo ngày đó, bao người đã lãng quên ?
Phạm Xuân Ẩn mang một sức quyến rũ của con người đầy hiểu biết và sắc sảo trong các vấn đề. Hơn cả một điệp viên, ông còn là một nhà báo giỏi và có uy tín của cả miền Nam Sài Gòn trước 1975, được coi là người thạo tin nhất SaiGon và có nhiều mối quan hệ ở các cấp tướng lĩnh, sở hữu các nguồn tin “độc”. Phạm Xuân Ẩn là nhà báo Việt Nam mà tạp chí Time xem như báu vật. McCulloch nguyên trưởng văn phòng Time ở châu Á đã nói “Ẩn đáp ứng mọi điều tôi trông đợi. Ông ấy rất am tường về sự xoay chuyển tình hình. Sau khi đã nhìn lại mọi chuyện, tôi có thể nói rằng vai trò điệp viên đã không hề làm cong vênh nghề báo của ông ấy.” Phạm Xuân Ẩn hào phóng với những lời khuyên và các câu chuyện của mình. Và ông nói chuyện với cả SaiGon từ tướng lĩnh, đại sứ đến người lái xích lô. Không bao giờ từ chối sự giúp đỡ.
Dù nghề báo là vỏ bọc cho nghề điệp viên của mình, nhưng không vì thế mà Phạm Xuân Ẩn xem nhẹ nó, nghề báo cho ông các mối quan hệ, các nguồn tin, và nó bảo vệ được ông. Ông có quan điểm thế này: “Nếu anh coi vỏ bọc chỉ là một nghề giả, một nghề mà anh không thực sự thông thạo, một công việc mà anh không thực sự làm, thì anh sẽ chết, bởi như vậy anh chẳng có vỏ bọc nào cả.” Một trong những lý do cho cái tên Phạm Xuân Ẩn là số ít điệp viên hoàn hảo nhất của thế kỷ XX chính là vì vỏ bọc tuyệt vời đến như thế. Một nhà báo Việt Nam được người Mỹ kính nể và được người Việt tôn sùng. Jon Larsen – trưởng phòng Time từ cuối năm 1970 đã xác nhận điều đó “Ẩn là phóng viên, biên dịch viên là nhân viên đảm trách mọi thứ của chúng tôi. Bạn sẽ luôn nhận được một bản tóm tắt tình hình tuyệt vời của ông ấy”.
Phạm Xuân Ẩn: một nhà báo giỏi, một điệp viên hoàn hảo, một nhà tình báo chiến lược. Đúng nhưng chưa đủ. Vị tướng này còn hơn cả một nhà tình báo. Chúng ta đang nói đến trận Ấp Bắc.
Một lần nữa. Tôi dành tặng cho các bạn thêm một thông tin. Ấp Bắc, hẳn chúng ta không lạ gì 2 chữ này. Một trong những chiến công vang dội nhất làm thất bại chiến lược chiến tranh đặc biệt và kế hoạch Stanley - Taylor. Trận đấu giáp lá cà trực tiếp trên quy mô tiểu đoàn đầu tiên giữa hai phe tham chiến. Nhưng ai là đạo diễn cho chiến thắng ấy? Đó là Phạm Xuân Ẩn. Hãy cất lại những lời ngợi ca giết được bao tên địch sang một bên. Nhìn xoáy vào cốt lõi của Ấp Bắc ta sẽ thấy vấn đề. Ngày 2/1/1963, trận Ấp Bắc nổ ra. Một sư đoàn bộ binh của VNCH với 1300 lính, được sự yểm trợ của trực thăng, xe bọc thép và máy bay tiêm kích tấn công Ấp Bắc. Nhưng kinh khủng. Chỉ trong vài phút tấn công đầu tiên. 14 trong 15 trực thăng bị trúng đạn, 5 chiếc rơi. Kết thúc trận chiến, quân lực VNCH thua tan nát. Không phải là đòn tự vệ của mặt trận trước đòn tấn công bất ngờ. Ấp Bắc mang dấu ấn của một cái bẫy được chờ sẵn. Và chỉ đợi quân của VNCH tới để nã đạn. Turner - trưởng phòng Reuters nói rằng "Ẩn đủ kiến thức về chiến thuật trên chiến trường, quy tắc tham chiến, hậu cần và mức độ chiến đấu của cả VNCH lẫn Mỹ."
Ông Mười Nho, khi trực tiếp mở các nội dung văn bản mà Ẩn gửi về đã run lên và nói "Có đến cả một tỷ đô chúng tôi cũng không thể mua được những tài liệu như vậy"
Chỉ có hai Huân chương quân công được trao sau chiến công Ấp Bắc. Một được trao cho chỉ huy trưởng của cuộc chiến Ấp Bắc: Nguyễn Bảy. Và tấm còn lại là của Phạm Xuân Ẩn.
Hơn cả một điệp viên. Hai Trung còn là tướng quân vạch kế hoạch trên chiến trường.
Kẻ thù tuyệt vời của nước Mỹ !
Phạm Xuân Ẩn là người yêu nước Mỹ, ông trưởng thành bằng văn hoá Mỹ. Khi hoà bình trở lại, những năm tháng cô đơn, ông rất nhớ bạn bè người Mỹ. Phạm Xuân Ẩn đã làm cho Time bằng cái tâm lớn nhất của một nhà báo, Ẩn luôn nhắc đi nhắc lại một điều “Phải khách quan, nhà báo không được tư biện. Đưa tin chính xác theo những gì anh thấy và anh hiểu điều đó là đúng”. Tướng Ẩn được người Mỹ rất tôn trọng và đến giờ họ vẫn gọi ông là “kẻ thù tuyệt vời”. Bởi Ẩn đã chơi rất quân tử, trong cả cuộc đời. Phút cuối của ngày 30/4. Phạm Xuân Ẩn đã làm một hành động mà ông biết mình sẽ gặp rắc rối sau ngày hoà bình. Tướng Ẩn cứu bác sĩ Tuyến – trùm mật vụ của SaiGon. Với đôi mắt ngập lệ và hét lên "Chạy đi".
Tuy nhiên, trên tình yêu với những người Mỹ, ông yêu đất nước Việt Nam nhiều hơn. Tướng Ẩn nói với Larry Berman, người viết tự truyện cho ông: "Nước Mỹ không có vai trò gì ở đất nước chúng tôi hết. Quyền tự quyết của dân tộc thuộc về chính nhân dân Việt Nam". Đó là lý do cho việc ông chiến đấu cho dân tộc này được quyền tự quyết, cho chính dân tộc này không bị chia đôi và phải nhìn nhau qua hai đầu biên giới. Phạm Xuân Ẩn cũng như Lê Duẩn, như Hồ Chí Minh, như Võ Nguyên Giáp, hay thậm chí như anh em Ngô Đình và một số con người khác của VNCH. Đó là những con người đầy tính dân tộc. Trong cuốn “Điệp viên Z21”, Thomas Bass từng hỏi liệu Việt Nam có thể như Hàn Quốc và Triều Tiên hôm nay, Phạm Xuân Ẩn đã trả lời “Không thể, vì người Hàn Quốc tàn nhẫn hơn người Việt Nam”. Người Việt Nam không chấp nhận được cảnh phải chứng kiến dân tộc chỉ là con tốt trong bàn cờ chia lại thế giới của Liên Xô và Mỹ. Để rồi phải ngậm đắng nuốt cay nhìn đồng bào mình ở phía kia biên giới. Lê Duẩn từng nói “Muốn thống nhất đất nước chúng ta không sợ Mỹ là đương nhiên. Mà còn không được sợ Liên Xô và Trung Quốc”.
Vấn đề buồn nhất Phạm Xuân Ẩn những năm tháng cuối đời cũng chính là cái buồn của rất nhiều người có tâm với dân tộc, một lòng mong đất nước phát triển và đi lên. Đấy là sự phủ nhận những thành quả, những cuốn sách y học, khoa học của trí thức miền Nam cũ. Và đấy là sự bình thường hóa quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam. Phạm Xuân Ẩn luôn mong một ngày ông về lại thăm Mỹ. Sau này người con của ông là Phạm Xuân Hoàng Ân đã làm được điều ấy. Mong ước của tướng Ẩn là sự phản ánh lớn lao hơn của mong ước mà tôi luôn mong, của rất nhiều người khác: hoà giải dân tộc. Ta bắt tay được với Mỹ, sao không thể bắt tay được với chính đồng bào của chúng ta?
Nhưng dù có nhiều điều không vừa lòng trong những năm tháng sau 1975, trên tất cả. Vị tướng tình báo tài năng của chúng ta, đã dùng bộ óc phân tích sắc sảo và trí tuệ của mình cố vấn cho tổng cục 2 (tình báo Việt Nam), để chống lại những âm mưu đến từ phương Bắc.
Ngày 20/9/2006. Tướng Ẩn mất sau một thời gian lâm bệnh nặng với lá phổi chỉ còn hoạt động 1/3. Ngày ông ra đi, xung quanh ông vẫn là một tấm màn bí mật. Ông nghĩ gì? Ông làm gì? Chúng ta chỉ bảng lảng qua các mảnh ghép. Con người vĩ đại này đã hoàn hảo theo cách của riêng minh.
Sau đám tang. Mộ thiếu tướng Ẩn được đặt tại nghĩa trang thành phố Hồ Chí Minh. Bên cạnh những chiến sĩ tình báo xuất sắc khác của dân tộc, là Vũ Ngọc Nhạ, là đại tá Phạm Ngọc Thảo. Những con người sống trong biển giáo rừng gươm, trong áp lực, trong thầm lặng, trong hy sinh cho một nền độc lập của Việt Nam. Nếu có cơ hội, hãy một lần đến thăm.
Hơn cả một điệp viên, ông là Phạm Xuân Ẩn.