Body shaming là vấn nạn phổ biến ở xã hội hiện tại. Thuật ngữ này dần trở thành nỗi khiếp sợ của nhiều người. Vậy body shaming là gì? Thực trạng này ở Việt Nam đang diễn ra như thế nào? Làm sao để vượt qua được nỗi ám ảnh này?
Body shaming là gì?
Body shaming dịch xuôi từ tiếng Anh sang tiếng Việt có nghĩa là “miệt thị ngoại hình”. Thuật ngữ này ám chỉ những hành động bằng ngôn ngữ như đánh giá, phán xét, chê bai ác ý về vẻ bề ngoài của một người nào đó.
Đây là tình trạng diễn ra ở rất nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó bao gồm cả Việt Nam. Những ngôn từ “xấu” này sẽ ảnh hưởng lớn tới cảm xúc, tinh thần của người nghe, khiến họ khó chịu, bực tức và tổn thương sâu sắc.
Ngoài ra, body shaming cũng là thuật ngữ để chỉ sự tồn tại suy nghĩ tự miệt thị bản thân, tức tự ti vào ngoại hình của chính mình. Tình trạng này hay gặp ở những người rụt rè, hướng nội.
Hình thức Body shaming thường gặp
Có rất nhiều kiểu body shaming đang tồn tại ngoài xã hội. Trong đó phổ biến nhất bao gồm 3 dạng chính:
+ Miệt thị thân hình, vóc dáng: Chê người khác béo, gầy, lùn, dáng đi xấu,…Đây là kiểu body shaming diễn ra nhiều nhất.
+ Miệt thị làn da: Bình phẩm xấu về da người đối diện, chẳng hạn “da nhiều mụn nhìn sợ”, da quá đen,…
+ Miệt thị khuôn mặt: Cụm từ này để diễn tả trường hợp một người nào đó bị chê bai về các đặc điểm trên khuôn mặt của họ như mũi to, môi thâm, răng hô, gò má cao,…
Nguyên nhân body shaming
Nguyên nhân body shaming xuất hiện là gì được rất nhiều người quan tâm, nhất là các bác sĩ tâm lý. Thực tế, tình trạng này chịu tác động của nhiều yếu tố. Tuy nhiên dễ hiểu nhất chính là tiêu chuẩn của xã hội.
Cuộc sống càng hiện đại, con người ta sẽ nhìn nhận một con người chỉ qua hình thức bên ngoài. Họ chưa tìm hiểu đối phương về tính cách, nếp sống, học thức,…đã vội kết luận, tạo ra những lời nói, cử chỉ khó nghe. Ban đầu, những hành động này chỉ để vui đùa. Thế nhưng dần về sau nó sẽ trở thành thói xấu, ác ý.
Có 3 kiểu người thường đi body shaming người khác, tuy nhiên đặc điểm chung đều là những người thích soi mói, thích lấy sự đau khổ của người khác làm niềm vui cho bản thân:
Người quá quan trọng về hình thức: với những người luôn thích vẻ đẹp bên ngoài, quá coi trọng hình thức, bản thân họ cũng luôn chăm sóc quá mức cho vẻ ngoài của mình nên họ cực kỳ khó chịu hay coi thường những người có vẻ ngoài trông bình thường, nhiều khuyết điểm. Với những người này, họ chấp nhận cho dù có nợ nần cũng phải có một vẻ ngoài chỉn chu, đẹp đẽ khi ra ngoài. Họ cũng rất hay coi thường hay tỏ thái độ không tốt với những người có về ngoài không giống với quy chuẩn cái đẹp của họ. Từ đó họ dễ dàng buông những lời lẽ mang tính chất cay độc với người khiến họ không hài lòng.
Người có những vướng mắc trong tâm trí: thực tế, rất nhiều người có ngoại hình không đặc biệt nhưng lại đi body shaming người khác, nhóm này thường có xu hướng sử dụng mạng xã hội ảo để thực hiện các hành vi của bản thân. Nguyên nhân xuất phát từ chính việc họ có quá nhiều căng thẳng, áp lực , tiêu cực, tinh thần lúc nào cũng cảm thấy chán ghét tất cả mọi thứ nên họ tìm cách “xả” những bực tức của mình ra người khác. Họ sử dụng chính những lời nói cay độc, khó nghe của mình để khiến một người nào đó bị tổn thương, hoặc thậm chí họ còn cố tình tạo ra các tình huống gây tranh cãi bởi điều này có thể khiến họ thỏa mãn, xoa dịu được sự bực tức vô cớ của chính mình.
Tính cách độc đoán: thói quen thích đi chỉ trích, thích soi mói có thể chính là đặc trưng tính cách của một nhóm người. Họ thường rất tự cao, luôn cho rằng bản thân là nhất, cho rằng quy chuẩn của mình là đúng. Việc một ai đó chưa hoàn hảo và “được” họ “góp ý” thậm chí còn được họ cho rằng đó là vinh hạnh. Trong khi ngược lại, nếu ai đó góp ý với họ thì lại bị họ cho rằng đang ghen tị với mình. Tính cách này hoàn toàn có thể hình thành do yếu tố môi trường hay bị ảnh hưởng thì tính cách của những người trong gia đình.
Đáng buồn hơn là khi người thực hiện body shaming lại chính là người thân trong gia đình, là người yêu hay thậm chí là chồng. Chúng ta thường cho rằng khi đã quá thân quen với nhau thì không cần phải câu nệ quá nhiều về câu từ, vì thế cứ mặc định chê vợ xấu, vợ béo, chê chồng hôi hám mà chẳng nghĩ đến cảm xúc của đối phương.
Hậu quả của Body shaming
Những người chuyên đi miệt thị, chê bai, cười cợt người khác không thể hiểu được hành vi của họ đã gây ra hệ lụy đáng sợ thế nào với nạn nhân. Một người từ hoạt bát, vui vẻ, yêu đời có thể trở nên tiêu cực, không dám thể hiện bản thân, không còn là chính mình sau khi bị những người xung quanh body shaming.
Miệt thị ngoại hình có thể gây ra rất nhiều hệ lụy nghiêm trọng đến tinh thần của một người, chẳng hạn
Đánh mất sự tự tin: khi phải nghe quá nhiều điều tiêu cực, tinh thần sẽ bị ảnh hưởng, ngay cả việc soi gương cũng khiến người đó cảm thấy mình thật xấu xí, đúng như những người đấy nói. Cảm giác chính bản thân mình cũng thấy mình đầy khiếm khuyết vô cùng đáng sợ, họ dần đánh mất sự tự tin, trốn tránh hiện thực và đánh mất chính mình.
Tách biệt bản thân: bị body shaming quá nhiều, những người này dần hình thành cảm giác sợ người khác nhìn mình, cảm giác rằng mọi người đang soi mói để chỉ trích họ tiếp tục nên có xu hướng dần tách biệt với tất cả. Một số nạn nhân thậm chí còn không dám ra ngoài, không dám gặp gỡ bạn bè thân thiết vì sợ ai đó sẽ lại nói về các khiếm khuyết ngoại hình của mình.
Sử dụng các phương pháp làm đẹp tiêu cực: chẳng hạn ở những người bị chê béo, chê chân to có thể sử dụng các loại thuốc giảm cân hay nhịn ăn để giảm cân nhanh chóng; người bị chê đen có thể sử dụng kem trộn hay những người bị mụn có thể sử dụng các loại mỹ phẩm không rõ nguồn gốc để nhanh chóng có làn da mịn màng. Họ không có các biện pháp khoa học mà chỉ thực hiện vô tội vạ do muốn có kết quả nhanh chóng, dẫn đến ngoại hình không hề cải thiện mà thậm chí còn tồi tệ hơn. Không ít người phải cấp cứu vì thuốc giảm cân hay phải vào bệnh viện da liễu điều trị tốn rất nhiều chi phí vì hỏng da.
Tăng nguy cơ mắc các vấn đề tâm lý: chứng sợ xã hội, trầm cảm, rối loạn lo âu cùng hàng loạt vấn đề tâm lý khác đều được hình thành từ chính những suy nghĩ tiêu cực, căng thẳng, đau khổ kéo dài vì bị body shaming. Họ tự cảm thấy sợ hãi chính bản thân mình, những lời chê bai của những người xung quanh cứ luôn hiện hữu trong tâm trí làm họ bị ám ảnh không thể thoát ra được. Thậm chí có những còn dẫn đến tự tử vì bị miệt thị ngoại hình trong thời gian dài.
Thay đổi về mặt tính cách: Từ một người năng động, hoạt bát, tích cực nhưng khi bị chê bai quá nhiều những người này có thể ngày càng sống khép kín, ít nói, ít chia sẻ hơn. Hay một số khác có thể có xu hướng ngày càng tiêu cực, dễ trở nên bực tức, kích động, dễ bạo lực, đặc biệt khi bị người khác trêu chọc về ngoại hình. Thực tế cũng rất nhiều trường hợp sau khi bị những người xung quanh miệt thị, trêu chọc quá nhiều dẫn tới tấn công người đó, từ nạn nhân trở thành hung thủ giết người, đây là những tình huống cực kỳ đáng buồn do không ngăn chặn nạn body shaming kịp thời.
Làm sao để vượt qua tình trạng bị body shaming
Khi hằng ngày phải đối diện với những lời nói chê bai bản thân thì việc tự ti, tiêu cực là điều khó tránh khỏi. Đặc biệt với những người vốn đã hay suy nghĩ, sống nội tâm, vốn đã tự ti từ trước đó. Nếu không sớm tìm cách vượt qua được giai đoạn này sẽ càng càng làm chất lượng đời sống, tinh thần của người bệnh tụt giảm nghiêm trọng hơn.
Thực tế thì trên thế gian này chẳng có bất cứ một quy chuẩn nào cho cái đẹp. Người mập có nét đẹp của mập, người gầy có nét đẹp của gầy, người 1m5 nếu biết mặc đồ trông không khác gì 1m6 hay một người có da nâu hoàn toàn có thể khiến người khác phải thầm ước rằng mình có làn da khỏe mạnh như cô ấy bởi sự cá tính của mình. Chẳng có bất cứ sách vở hay bộ luật nào ghi rằng cứ phải da trắng, phải thon thả, phải tóc thẳng, phải mắt to mới là đẹp, đấy là do chúng ta tự lấy quy chuẩn của bản thân để áp đặt lên tất cả.
Tất nhiên để vượt qua những lời nói miệt thị đang nhắm thẳng vào những khiếm khuyết của bản thân chưa bao giờ là điều dễ dàng, đặc biệt nếu phải nghe hằng ngày. Học cách yêu thương bản thân, tránh xa những điều tiêu cực, chăm sóc mình theo hướng tích cực sẽ mang đến cho bạn nhiều cải thiện tích cực hơn. Cụ thể
Tránh xa những thứ khiến bạn đang cảm thấy tiêu cực: Chẳng hạn nếu đang bị bạo lực mạng, bị chê bai, về ngoại hình trên mạng xã hội thì bạn hãy bỏ qua những bình luận xấu xí kia, thậm chí là không lên mạng để không phải tiếp xúc với những lời lẽ thiếu văn minh này.
Tranh luận chứ không tranh cãi: bạn đừng nên mất thời gian đấu khẩu quá nhiều với những kẻ chuyên đi body shaming bởi họ thường rất ngang ngạnh, thiếu văn hóa. Nếu phải tranh luận hãy làm cho họ tâm phục khẩu phục bằng những lời nói mạnh mẽ, chắc chắn, đanh thép, rành mạch, tuy nhiên nên tránh lôi khuyết điểm của họ ra để mỉa mai vì nếu làm vậy thì bản thân cũng sẽ chẳng khác gì kẻ đó.
Mặc dù việc chê bai và cười cợt về ngoại hình của người khác là hoàn toàn không đúng nhưng thực sự có những người họ không hoàn toàn có chủ ý xấu hay miệt thị về ngoại hình của bạn. Bạn cần phân biệt hai trường hợp này, nếu họ thực sự không có ý xấu thì bạn có thể phản ứng rõ rằng mình không muốn bị nói như thế, đảm bảo những người này hoàn toàn có thể thay đổi.
Chọn lọc và tiếp thu những ý kiến mang tính đóng góp thực sự để thay đổi một cách tốt hơn. Chắc chắn rằng sẽ luôn có những người thực sự muốn bạn cải thiện bản thân mình hoàn hảo hơn. Do đó bạn cần học cách chắt lọc những ý kiến từ những người có thiện chí bởi không phải lúc nào cứ cố chấp, coi bản thân là số một cũng là đúng.
Chăm sóc và hoàn thiện bản thân một cách tích cực:. Chẳng hạn nếu cần giảm cân thì tập thể dục, giảm tinh bột, dùng rau xanh, trái cây hoặc tham gia các khóa tập gym, yoga để cải thiện vóc dáng đúng cách, tuyệt đối không nên nhịn ăn hay dùng các loại thuốc giảm cân nguy hiểm. Hay nếu da đang bị mụn nhiều, lâu năm bạn nên đến bệnh viện da liễu để được tư vấn thăm khám, skin care khoa học, ăn uống lành mạnh chứ không nên sử dụng kem trộn hay bất cứ sản phẩm nào không rõ nguồn gốc.
Yêu thương cả chính khuyết điểm của bản thân mình, nếu ngay cả bản thân bạn còn thấy ghét chúng thì bạn chẳng thể nào phản kháng lại khi bị body shaming. Hãy sống cứ là bạn, kể bạn có béo, có đen, có cục mịch nhưng khi bạn yêu thương chính mình thì cách bạn nhìn nhận và sửa chữa các khiếm khuyết bản thân cũng sẽ rất khác.
Chia sẻ nỗi lo lắng, tiêu cực của bản thân với những người tích cực để tìm cách giải quyết. Những người lạc quan không chỉ giúp bạn vơi đi nỗi lo mà còn có thể đưa cho bạn những lời khuyên hữu ích để bạn định hướng bản thân hay thay đổi hợp lý hơn.
Không nên so sánh bản thân với một ai khác bởi bạn chính là bản giới hạn duy nhất tuyệt đối, không ai có thể bắt chước được. Bạn cũng có thể biến chính những khuyết điểm về ngoại hình để trở thành lợi thế giúp người khác luôn ấn tượng, luôn nhớ đến mình.
Bước ra vòng giới hạn của bản thân, đừng vì những lời miệt thị ngoại hình từ những người không tốt mà phải bỏ bê cuộc sống của chính mình. Hơn hết, chỉ khi bạn trở nên hạnh phúc và vững vàng trước những lời chê bai của người khác thì những kẻ body shaming mới trở nên cực kỳ tức giận.
Phát triển giá trị của bản thân, khiến những người khác thay đổi cách nhìn nhận về bản thân bạn thông qua năng lực, tài năng, sự chăm chỉ, trách nhiệm và chân thành. Ngoại hình là thứ có thể gây ấn tượng từ lần đầu nhưng vẻ đẹp nội tâm mới là thứ có thể gắn kết bạn với tất cả mọi người, là giá trị mãi mãi. Một người dù có bề ngoài hoàn hảo nhưng có nhiều tính cách xấu, thích body shaming người khác chắc chắn sẽ không thể nào được yêu quý bằng một người dù có dáng về bình thường nhưng lúc nào cũng vui vẻ, tốt bụng và có trách nhiệm.
Body shaming đến mức độ nào thì bị phạt?
Bị phạt hành chính
Căn cứ điểm a khoản 3 Điều 7 Nghị định 144/2021/NĐ-CP, nếu có hành vi khiêu khích, trêu ghẹo, xúc phạm, lăng mạ, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì có thể bị phạt tiền từ 02 - 03 triệu đồng trừ trường hợp:
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm người thi hành công vụ thì bị phạt tiền từ 04 - 06 triệu đồng (điểm b khoản 2 Điều 21).
- Xúc phạm danh dự, nhân phẩm thành viên gia đình bị phạt từ 05 - 20 triệu đồng (Điều 54).
Ngoài ra, nếu đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín, danh dự và nhân phẩm cá nhân trên môi trường mạng như trên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) thì người vi phạm có thể bị phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng (theo điểm a khoản 3 Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP).
Tuy nhiên, xúc phạm nhân phẩm, danh dự đến mức nào thì phải bị xử lý hành chính thì hiện chưa có văn bản nào quy định cụ thể. Tuy nhiên, có thể hiểu, việc xúc phạm nhân phẩm, danh dự là hình thức Body shaming ở mức độ rất nặng, không còn đơn thuần là những lời nói trêu ghẹo, đùa giỡn thông thường nữa.
Ở đây, Body shaming khiến nhân phẩm, danh dự của nạn nhân bị xâm phạm và để lại hậu quả nghiêm trọng đến mức bị trầm cảm, thậm chí còn muốn tự tử… thì tuỳ vào từng trường hợp, người vi phạm có thể bị phạt tiền theo các mức nêu trên.
Phải chịu trách nhiệm hình sự
Ở mức độ nhẹ hơn, người Body shaming có thể sẽ chỉ bị xử phạt hành chính. Tuy nhiên, nếu xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì có thể phải chịu trách nhiệm về Tội làm nhục người khác hoặc Tội vu khống. Cụ thể:
- Tội làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015): Mức phạt từ cảnh cáo, phạt tiền từ 10 - 30 triệu đồng và nặng nhất đến 05 năm tù nếu làm nạn nhân tự sát…
- Tội vu khống (Điều 156 Bộ luật Hình sự năm 2015): Hình phạt nhẹ nhất là bịa đặt, loan tin không đún nhằm xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự người khác sẽ bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm và nặng nhất là đến 07 năm tù nếu làm nạn nhân tự sát hoặc vì động cơ đê hèn…
Phải bồi thường thiệt hại
Ngoài phải chịu trách nhiệm trước pháp luật (bị phạt hành chính hoặc chịu trách nhiệm hình sự), người có hành vi Body shaming người khác còn có thể phải bồi thường thiệt hại cho nạn nhân nếu việc Body shaming gây ra thiệt hại cho người đó.
Theo Điều 592 Bộ luật Dân sự, khi xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác có thể phải bồi thường thiệt hại bởi đây là một trong những vấn đề được pháp luật bảo vệ và mọi người phải có nghĩa vụ tôn trọng (căn cứ Điều 34 Bộ luật Dân sự).
Về mức bồi thường, theo Điều 592 Bộ luật Dân sự, các bên có thể thoả thuận về mức bồi thường. Nếu không thoả thuận được thì mức bồi thường tối đa không quá 10 lần mức lương cơ sở (hiện nay đang áp dụng mức 1,49 triệu đồng/tháng). Theo đó, mức bồi thường tối đa sẽ là 14,9 triệu đồng.
Như vậy bài viết đã gửi tới bạn đọc lời giải đáp cho câu hỏi body shaming là gì và cách vượt qua nỗi ám ảnh này rồi nhé. Hy vọng những thông tin trên sẽ hữu ích với bạn!