Ai Cập cổ đại là một trong những nền văn hóa lâu đời và quan trọng nhất trong lịch sử thế giới. Nó đã tồn tại trong khoảng thời gian hàng ngàn năm, từ khoảng 3100 TCN đến khoảng 343 TCN, trước khi Ai Cập trở thành một phần của Đế quốc Hy Lạp và sau đó là Đế quốc La Mã. Dưới đây là một tổng quan về Ai Cập cổ đại:
Địa lý và môi trường:
Ai Cập nằm ở Đông Bắc Châu Phi và được bao quanh bởi sa mạc Sahara và biển Đỏ. Sông Nile, con sông dài nhất thế giới, chảy qua Ai Cập và đã đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của vương quốc này. Sông Nile mang theo bùn đất phù sa, tạo ra một khu vực đất đai màu mỡ, thích hợp cho nông nghiệp và đời sống của người dân Ai Cập cổ đại.
- Văn hóa và xã hội: Ai Cập cổ đại là nền văn hóa phát triển với ngôn ngữ và chữ viết riêng biệt, hệ thống tôn thờ các vị thần và vua pharaoh. Người Ai Cập cổ đại xây dựng các đền thờ, kim tự tháp, và nhiều công trình kiến trúc ấn tượng khác. Xã hội Ai Cập cổ đại được chia thành nhiều tầng lớp, với pharaoh ở đỉnh và nông dân ở tầng dưới cùng.
Các giai đoạn thời kì vương quốc:
Theo Manêtông (Manéthon), một thầy tu kiêm sử gia Ai Cập sống vào thế kỷ III TCN, tác giả quyển “Lịch sử Ai Cập” nay đã thất truyền thì lịch sử Ai Cập cổ đại bao gồm 31 vương triều. Trên cơ sở ấy, người ta chia lịch sử Ai Cập từ cuối thiên kỷ IV TCN đến cuối thiên kỷ I TCN thành 5 thời kỳ:
- Thời kỳ Tảo vương quốc (3200 – 3000 TCN) (1)
- Thời kỳ Cổ vương quốc (3000 – 2200 TCN).
- Thời kỳ Trung vương quốc (2200 – 1570 TCN).
- Thời kỳ Tân vương quốc (1570 – 1000 TCN).
- Thời kỳ Hậu vương quốc (1090 – 332 TCN).
Thời kỳ Tảo Vương quốc ( khoảng từ năm 3200 đến 3000 TCN)
Cùng với sự phát triển kinh tế, cổ Ai Cập bắt đầu từ xã hội nguyên thủy dần dần bước sang xã hội nô lệ. Tuy vậy khoảng năm 4000 TCN, Ai Cập chưa hình thành một quốc gia thống nhất. Khi đó Ai Cập có khoảng hơn 40 ”Nôm”, mỗi Nôm đều có vị thần tôn thờ của mình, sau này lại có quân đội và lá cờ dùng để tượng trưng cho bộ lạc, trên thực tế đó đều là những tiểu vương quốc độc lập. Giữa các Nôm đã trải qua chiến tranh, thôn tính dài lâu. Cuối cùng đã phải chia vùng đồng bằng sông Nin dài và hẹp thành hai vương quốc độc lập lớn ở Bắc bộ và Nam bộ. Miền Bắc gọi là Vương quốc Hạ Ai Cập, Quốc vương đội mũ đỏ, lấy Rắn thần làm thần hộ mệnh, lấy con ong làm quốc huy. Miền Nam gọi là Vương quốc Thượng Ai Cập, Quốc vương đội mũ trắng, lấy chim ưng làm thần hộ mệnh, lấy hoa bách hợp trắng làm quốc huy. Thượng và Hạ Ai Cập luôn luôn nổ ra chiến tranh. Vào khoảng trước sau năm 3100 TCN, Thượng Ai Cập dần dần cường thịnh, Quốc vương Menes đã thân dẫn đại quân đi đánh Hạ Ai Cập. Quân hai bên đã có trận quyết chiến ở vùng Tam giác châu sông Nin: Menes đầu đội mũ trắng, trên mũ trang trí mặt chim ưng thần, tự mình ra trước trận tiền đốc chiến. Trong tiếng gào thét âm vang, gươm giáo sáng lòa, những lá cờ vẽ hoa bách hợp trắng và những lá cờ có hình con ong vung lên, quấn vào nhau, quân hai bên xông vào đánh giáp lá cà không sao phân giải được. Qua ba ngày ba đêm kịch chiến, cuối cùng quân Hạ Ai Cập bị đánh tan. Quốc vương Hạ Ai Cập đứng trước đám tù binh, tháo chiếc mũ đỏ rồi quỳ xuống đất, hai tay nâng mũ dâng cho Menes.
Sau khi thống nhất, lịch sử Ai Cập bước vào một thời kỳ gọi là Tảo vương quốc gồm hai vương triều là Vương triều I và Vương triều II.
Thời kỳ Cổ Vương quốc( khoảng từ năm 3000 đến năm 2300 TCN)
Thời kỳ Cổ vương quốc bao gồm 8 vương triều từ vương triều III đến vương triều X. Đây là thời kỳ lịch sử Ai Cập có một bước phát triển quan trọng. Chính sự phát triển về kinh tế và sự tăng cường quyền lực của chính phủ trung ương đã cho phép các Pharaông (vua) thuộc các vương triều III và vương triều IV có` thể huy động sức người sức của để xây cho mình những Kim tự tháp nổi tiếng trong lịch sử. Trước kia kinh đô của Ai Cập đóng ở Abiđốt nhưng bắt đầu từ vương triều III thì chuyển đến Memphis.
Thời kỳ này, bộ máy nhà nước Ai Cập cổ đại thực sự được hoàn thiện. Ngoài ra, các mặt kinh tế, chính trị, quân sự và văn hoá cũng phát triển rất rực rỡ. Thời kỳ Cổ Vương quốc bao gồm tám vương triều. Đứng đầu nhà nước là Pharaông. Quyền lực của Pharaông là tối cao và vô hạn đối với toàn bộ đất đai và thần dân trong cả nước. Pharaông là tăng lữ, thẩm phán và người chỉ huy quân sự tối cao của cả vương quốc. Để củng cố và phô trương quyền lực, các pharaông rất chú trọng việc xây dựng cho mình các lăng mộ vô cùng kiên cố và đồ sộ. Đó là các kim tự tháp. Thời kỳ này có rất nhiều các kim tự tháp lớn được xây dựng. Ở trung ương có một chức tể tướng, giúp Pharaông cai trị nhân dân. Dưới tể tướng là bộ máy quan liêu cồng kềnh bao gồm các quan lại cao cấp và nhiều thư lại. Họ phụ trách việc thu thuế, xử án, xây dựng quân đội...
Đối với chính sách đối ngoại, các Pharaông thường tiến hành chiến tranh xâm lựơc với các nước láng giềng, vơ vét của cải và bắt giữ tù binh làm nô lệ. Việc tiến hành các cuộc chiến tranh liên miên đã khiến cho nhân lực, vật lực trong nước trở nên khánh kiệt. Đời sống nhân dân vô cùng cực khổ do phải đối phó với thuế má. Chính vì vậy, họ đã không ngừng nổi dậy đấu tranh. Chính quyền chuyên chế ngày càng suy yếu. Các thế lực địa phương có cơ hội mạnh lên. Xu thế thoát li quyền lực nhà vua, xu thế cát cứ phân quyền ngày càng phát triển. Kết quả là nước Ai Cập thống nhất bị chia cắt thành nhiều vùng, miền khác nhau.
Thời kỳ Trung Vương quốc ( khoảng từ năm 2200 đến năm 1570 TCN)
Ai Cập bước vào thời kỳ phân li và loạn lạc trong suốt 300 năm. Thời kỳ này gồm bảy vương triều. Do chiến tranh tàn phá nên nền kinh tế bị phá hoại nghiêm trọng.
Các công trình thuỷ lợi bị hư hại nghiêm trọng, không được sửa sang, tu bổ khiến cho nông nghiệp rơi vào tình trạng đình đốn. Mất mùa, nạn đói xảy ra liên miên. Yêu cầu tái thống nhất đất nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, quá trình này lại diễn ra lâu dài do sự tranh chấp giữa hai tập đoàn quý tộc ở Heracleopolis và Thebes. Cuối cùng, Thebes đã giành được thắng lợi. Lãnh tụ của Thebes trở thành Pharaông của Ai Cập, sáng lập ra vương triều XI.
Từ đó, Ai Cập bước vào thời kỳ ổn định và phát triển. Chính quyền trung ương được củng cố, kinh tế phát triển. Công tác thuỷ lợi được quan tâm rất nhiều. Cùng với việc mở rông các công trình thuỷ lợi, công cụ lao động đã được cải tiến thêm một bước. Sự xuất hiện của công cụ bằng đồng thau đã làm thay đổi căn bản tình trạng sản xuất. Đặc biệt , ngành chăn nuôi cũng được chú ý. Ngoài ra, thủ công nghiệp, các hoạt động thương nghiệp và ngoại thương cũng được đẩy mạnh.
Xã hội phân hoá ngày càng mạnh mẽ, mâu thuẫn xã hội ngày một sâu sắc. Tầng lớp quý tộc ngày càng trở nên giàu có nhờ vào sự bóc lột dân chúng và các cuộc chiến tranh. Đồng thời, số lượng nô lệ ngày càng tăng lên. ngay cả tầng lớp viên chức nhỏ và dân thường cũng có nô lệ. Đời sống của nô lệ và dân nghèo vô cùng cực khổ do phải chịu nhiều tầng áp bức. Nhiều cuộc đấu tranh của tầng lớp bị áp bức đã diễn ra. Mặc dù, các cuộc khởi nghĩa đều bị dập tắt nhưng chúng góp phần làm suy yếu chính quyền.
Năm 1710 trước công nguyên, các bộ lạc du mục người Hyksos đã xâm nhập vào lãnh thổ Ai Cập. Dần dần họ đã chiếm đóng tòan bộ đất đai và đặt nền thống trị của họ ở đây.
Thời kỳ Tân Vương quốc ( khoảng từ năm 1570 đến năm 1000 TCN)
Năm 1570 trứơc công nguyên, người Hyksos bị đuổi khỏi Ai Cập. Đất nước lại được thống nhất. Thời kỳ này gồm có ba vương triều. Các Pharaông thi hành chính sách vũ lực và không ngừng mở rộng lãnh thổ. Nhờ đó, Ai Cập trở thành một quốc gia rộng lớn hơn bao giờ hết. Các Pharaông ra sức củng cố chính quyền chuyên chế và tăng cường lực lượng quân đội để làm công cụ đàn áp và xâm lược.
Thời kỳ này, ngành nông nghiệp có những bước tiến mới. Kỹ thuật canh tác được cải tiến. Công cụ đồng thau được sử dung một cách rộng rãi trong sản xuất. Nhà nước cũng rất quan tâm đến công tác thuỷ lợi. Sản xuất thủ công nghiệp còn tiến bộ hơn so với nông nghiệp. Thương nghiệp và mậu dịch đối ngoại cũng phát đạt.
Để củng cố quyền thống trị về mặt tinh thần, các Pharaông buộc phải dựa vào giới tăng lữ. Vì vậy tầng lớp tăng lữ ngày càng trở nên giàu có. Dựa vào thực lực kinh tế, vai trò chính trị của họ ngày càng được khẳng định. Trước tình hình đó, nhà nước đã tiến hành một cuộc cải cách tôn giáo. Đế quốc Ai Cập bước vào thời kỳ suy yếu.
Thời kỳ Hậu Vương quốc ( khoảng giữa thế kỷ X đến năm 30 TCN)
Đây là thời kỳ khủng hoảng, suy vong của nhà nước Ai Cập cổ đại. Ai Cập trở thành đối tượng xâm lược và thống trị của nhiều nước trong khu vực. Ai Cập rơi vào tình trạng phân liệt và loạn lạc.
Vào giữa thế kỷ thứ X trước công nguyên, một thủ lĩnh quân đội người Libi đã tiến hành đảo chính quân sự, lật đổ Pharaông, lập ra một vương triều ngoại tộc, cai trị toàn Ai Cập. Đầu thế kỷ VIII trước công nguyên, người Nubi tiến đánh Ai Cập, lật đổ nền thống trị của Libi, xác lập nền thống trị mới. Năm 671 trứơc công nguyên, Ai Cập lại bị quân đội Assyri đánh chiếm. Năm 525 TCN, Ba Tư xâm lược đất nước này và đặt ách thống trị ở đây. Sau đó, vào năm 332 trước công nguyên, Ai Cập lại bị Alechxanđơ xứ Macxêđônia chinh phục. Sau khi đế quốc này bị tan rã, Ai Cập thuộc quyền thống trị của một vương triều Hy Lạp gọi là vương triều Ptolemy. Năm 30 trước công nguyên, Ai Cập trở thành một tỉnh của đế quốc La Mã.
Những thành tựu chủ yếu của nền văn minh Ai Cập cổ đại.
Trên cơ sở công cụ bằng đồng và nền kinh tế nông nghiệp, cư dân Ai Cập cổ đại từ rất sớm đã sáng tạo nên một nền văn minh tinh thần vô cùng rực rỡ, trong đó, những thành tựu chủ yếu là chữ viết, văn học, kiến trúc và các kiến thức khoa học tự nhiên.
Chữ viết:
Từ khi xã hội có giai cấp bắt đầu hình thành, chữ viết ở Ai Cập đã ra đời. Chữ viết của Ai Cập lúc đầu là chữ tượng hình, tức là muốn viết chữ để biểu thị một vật gì thì vẽ hình thù của vật ấy. Vì vậy, nhìn vào các bản chữ viết Ai Cập cổ đại, ta thấy các hình vẽ như người, các loại động vật (chim, gia súc, dã thú, côn trùng), cây cối, mặt trời, mặt trăng, sao nước, núi non…
Đối với các khái niệm trừu tượng hoặc phức tạp thì phải dùng phương pháp mượn ý. Ví dụ muốn viết chữ khát thì vẽ hình con bò đứng bên cạnh chữ nước, chữ chính nghĩa thì vẽ lông đà điểu, vì lông đà điểu hầu như dài bằng nhau. Tuy nhiên, hai phương pháp ấy chưa đủ để ghi mọi khái niệm, vì vậy dần dần xuất hiện những hình vẽ biểu thị âm tiết. Những hình vẽ biểu thị âm tiết này vốn là những chữ biểu thị một từ nhưng đồng âm với âm tiết mà người ta muốn sử dụng. Ví dụ, con mắt trong tiếng Ai Cập là ar, do đó hình con mắt biểu thị âm tiết ar. Dần dần, những chữ chỉ âm tiết biến thành chữ cái, ví dụ “hòn núi nhỏ” đọc là “ca” được dung để biểu thị âm k. Tổng số chữ tượng hình của Ai Cập cổ đại có khoảng 1000 chữ, trong đó số chữ cái có 24 chữ.
Vào thiên niên kỷ II TCN, người Hichxot đã học tập chữ cái của người Ai Cập để ghi ngôn ngữ của mình. Về sau, loại chữ viết ấy được truyền sang Phenixi, trên cơ sở ấy, người Phenixi đã sáng tạo ra vần chữ cái đầu tiên trên thế giới.
Chữ viết cổ của Ai Cập thường được viết trên đá, gỗ, đồ gốm, vải gai, da… nhưng chất liệu dùng để viết phổ biến nhất là giấy papyrus. Vốn là ở hai bên bờ sông Nil có loại cây tên papyrus, người Ai Cập lấy thân loại cây nè chẻ thành từng thanh mỏng, ghép các thanh ấy thành những tờ giấy, ép mỏng rồi phơi khô. Đó là loại giấy sớm nhất thế giới. Do vậy, về sau trong ngôn ngữ nhiều nước châu Âu, giấy được gọi là papier, paper… Để viết trên loại giấy đó, người Ai Cập cổ dùng bút làm bằng thân cây sậy, còn mực thì làm bằng bồ hóng. Loại chữ tượng hình này được dùng trong hơn 3000 năm, sau đó, không còn ai biết đọc loại chữ này nữa.
Người Ai Cập đã có thể tạo ra loại mực đầu tiên bằng cách sử dụng hỗn hợp kẹo cao su thực vật, muội than và sáp ong.
Vào thế kỷ V, một học giả Ai Cập tên Ghêrapôlông đã nghiên cứu cách đọc loại chữ cổ này nhưng không thành công. 1000 năm sau, đến thế kỷ XVII mới có một số người đặt lại vấn đề đó nhưng vẫn chưa có kết quả.
Năm 1798, Bônapác (tức Napoleon sau này) viễn chinh sang Ai Cập. Tại một địa điểm gần thành phố Rosetta, trong khi đào chiến hào, binh lính Pháp đã phát hiện được một tấm bia, đặt tên là tấm bia Rosetta, trên tấm bia này khắc hai thứ chữ: phần trên khắc chữ Ai Cập cổ, phần dưới khắc chữ Hy Lạp. Ngay sau đó, các học giả tìm cách giải mã thứ chữ đó nhưng kết quả vẫn chưa hơn gì những lần trước. Mãi đến năm 1822, Champollion, một nhà ngôn ngữ học người Pháp 32 tuổi mới tìm được cách đọc thứ chữ này. Chính từ đó, một môn khoa học mới ra đời, đó là môn Ai Cập học. Học giả nhiều nước như Pháp, Đức, Anh… đã nghiên cứu ngôn ngữ Ai Cập, biên soạn sách tiếng Ai Cập cổ, đặc biệt biên soạn cuốn Từ điển tượng hình Ai Cập. Nhờ đọc được chữ Ai Cập cổ, người ta mới biết được nhiều tư liệu quý giá thuộc các lĩnh vực như lịch sử, văn học, thiên văn, toán học…của Ai Cập cổ đại.
Lịch:
Ở thời cổ đại lịch đóng vai trò cực kì quan trọng, giúp con người tồn tại trước thiên nhiên khắc nghiệt. Người Ai Cập cổ đại đã sử dụng lịch từ hàng ngàn năm TCN để biết khi nào lũ trên sông Nile sẽ xảy ra, từ đó có biện pháp canh tác phù hợp.
Lịch của người Ai Cập xây dựng để phù hợp với tập quán nông nghiệp và được chia thành ba mùa chính: ngập lụt, phát triển và thu hoạch. Mỗi mùa có bốn tháng, mỗi tháng được chia thành 30 ngày, tất cả là 360 ngày một năm ngắn hơn thực tế một vài ngày. Người Ai Cập đã thêm vào năm ngày giữa mùa thu hoạch và ngập lụt. Năm ngày này được chỉ định riêng là ngày lễ tôn giáo để tôn vinh những người con của các vị thần.
Trang điểm mắt:
Đồ cạo và cắt tóc:
Tóc giả:
Tôn giáo:
Giống như cư dân các quốc gia cổ đại khác, người Ai Cập trong thời kỳ này thờ rất nhiều thứ: các thần tự nhiên, các thần động vật, linh hồn người chết, thần đá, thần lửa, thần cây. Các thần tự nhiên chủ yếu gồm có Thiên thần, Địa thần và Thủy thần. Thiên thần gọi là thần Nut, là một nữ thần thường được thể hiện thành hình tượng một người đàn bà hoặc một con bò cái. Địa thần là một nam thần gọi là thần Ghép. Thủy thần, tức là thần sông Nil, gọi là thần Odirix. Chính nhờ có vị thần này mà ruộng đồng tươi tốt, bốn mùa thay đổi, cây chết rồi sống lại. Vì vậy, trong các bài thánh ca ngợi thần Odirix có những câu: “Ngài ban ngũ cốc và thực phẩm trên toàn trái đất cho loài người. Ngài làm cho con người no đủ, Ngài hiện hình thành nước”. Ngoài chức năng nói trên, thần Odirix còn được quan niệm là thần Âm phủ, Diêm Vương.
Cũng như loài người, các thần cũng thường kết hợp với nhau và tạo thành những thần mới.Thần không khí Su chính là kết quả của sự kết hợp giữa Thiên thần Nut và Địa thần Ghép. Về sau, cùng với sự hình thành nhà nước tập quyền trung ương, thần Mặt Trời trở thành vị thần quan trọng nhất.Nơi thờ thần Mặt Trời đầu tiên là thành Iunu, người Hy Lạp gọi là Heliopolix. Thần Mặt Trời ở đây gọi là thần Ra.
Đến thời trung vương quốc, Thebes trở thành kinh đô của cả nước.Vì vậy thần Mặt Trời Amon của Thebes trở thành vị thần cao nhất của Ai Cập. Thời kỳ này, thần Amon cũng được gọi là thần Amon-Ra. Người Ai Cập tin rằng, hằng ngày thần Amon-Ra ngự thuyền vàng đi trên bầu trời, ban đêm thì xuống thế giới dưới đất, sáng sớm lại lên vương quốc ban ngày và chiếu những tia sáng của mình lên mặt đất.
Đến thời Ichnaton (1424-1388 TCN) thuộc vương triều XVIII thời Tân Vương Quốc, do thế lực của tầng lớp tăng lực thờ thần Amon ở Thebes quá mạnh nên ông đã tiến hành một cuộc cải cách tôn giáo. Ông chủ trương thờ một vị thần Mặt Trời mới gọi là thần Atôn. Thần Atôn được coi là vị thần duy nhất, nên việc thờ cấm các vị thần khác đều bị cấm. Ngoài thần Mặt Trời, người Ai Cập còn thờ thần Mặt Trăng Thoth. Thần Thoth còn được quan niệm là thần văn tự, kế toán và trí tuệ. Thần Mặt Trăng được thể hiện dưới hình tượng một con người đầu chim hồng hạc hoặc đầu khỉ.
Người Ai Cập cổ đại còn thờ nhiều loại động vật từ dã thú, gia súc, chim đến côn trùng như chó sói, cá sấu, rắn, sơn dương, cừu, mèo, hồng hạc, đặc biệt là bò mộng Apix. Ngoài các con vật có thực, người Ai Cập còn thờ các con vật tưởng tượng như phượng hoàng, nhân sư.
Tục lệ ướp xác
Người Ai Cập cổ đại tin rằng có sự hồi sinh sau khi chết một thời gian và một cuộc sống khác trên thượng giới. Cái chết đối với họ chỉ là một sự gián đoạn tạm thời của sự sống chứ không là sự chấm dứt mãi mãi. Thế giới bên kia có thật, đó là nơi các linh hồn tồn tại. Ở thế giới đó, thể xác vẫn là “nhà” của linh hồn, nếu thể xác bị phân hủy thì linh hồn sẽ bị hủy hoại.
Trong “Tử thư Ai Cập” có ghi chép lại các kinh, thần chú và những chỉ dẫn cho người quá cố đến cuộc sống khác sau khi chết. Trong sách cũng nói về các thử thách đối với người chết trước sự phán xét của thần Phán xét Thoth. Một trong những thử thách là cân trái tim người chết với một chiếc lông đà điểu (biểu tượng của thần Matt - thần công lý, sự thật).
Nếu người chết càng nhiều tội lỗi thì sẽ càng nặng hơn chiếc lông. Nếu tội lỗi quá nhiều quỷ Ammit sẽ ăn mất quả tim bất chính đó. Trái tim là nơi chứa đựng tâm linh nên khi đó linh hồn sẽ bị lạc lõng trầm luân. Còn nếu là tâm hồn chân chính sẽ được thần Anubis phết tẩm hương thơm để sống cuộc sống vĩnh hằng. Tục ướp xác (tẩm hương thơm bảo quản xác chết) từ tín ngưỡng này mà ra đời.
Một nghi thức tang ma tiến hành đồng thời với các công đoạn ướp xác kéo dài 70 ngày. Trước khi tiến hành ướp xác các tu sĩ sẽ làm một số lễ nghi tôn giáo suốt 7 ngày. Sau đó, các cơ quan nội tạng được lấy ra khỏi cơ thể, riêng não lấy ra vào đường lỗ mũi. Phần còn lại của thân xác được làm khô trong hỗn hợp muối natron.
Khi đã hoàn thành việc ướp xác, thi hài sẽ được quấn trong các lớp vải và phết các chất thơm, rồi đặt vào trong chiếc quan tài mang hình người. Nội tạng lấy ra trong cơ thể không bỏ đi mà cất giữ trong bốn chiếc tiểu làm bằng đất nung hay bằng đá đục. Bốn chiếc bình này có nắp chạm hình đầu người, đầu khỉ, đầu chim ưng và đầu chó rừng tương đương với 4 vị thần có nhiệm vụ bảo vệ linh hồn người chết.
Khi quấn vải cho xác ướp xong người ta còn đeo thêm cho xác ướp một chiếc mặt nạ. Theo phong tục Ai Cập, chiếc mặt nạ này phải chạm giống khuôn mặt của người đã qua đời. Họ cho rằng chiếc mặt nạ này làm linh hồn người chết thêm vững mạnh khiến ma quỷ phải sợ hãi tránh xa.
Khi thực hiện nghi thức ướp xác, vị tu sĩ phải đeo mặt nạ thần đầu chó rừng Anubis (con của thần Orisis; vị thần bảo hộ người chết và mang người chết về bên kia thế giới). Vị tu sĩ sẽ đọc những đoạn kinh nói về sự phán xét nơi bên kia thế giới, kể cả việc thần Anubis tẩm hương thơm cho vong linh người ngay thẳng.
Tiếp đến là việc bọc vải và tẩm hương vào xác ướp. Khi việc xác ướp hoàn tất, vị tu sĩ sẽ đọc những đoạn kinh nói về các vị thần trên trời nương theo tinh tú di chuyển như thế nào và hướng dẫn vong linh người chết theo đó mà lên trời. Đường di chuyển đó trọng tâm noi theo thần Mặt trời Ra vào ban ngày, và thần Isis (tức sao Sirius) vào ban đêm.
Tuổi thọ trung bình của một người Ai Cập cổ đại chỉ khoảng 40 năm. Chính vì lẽ đó, họ quan niệm, chuẩn bị cho cuộc sống dài lâu và hạnh phúc ở thế giới bên kia mới thực sự là việc đáng chú trọng.
Ướp xác ở Ai Cập cổ đại không chỉ là xu thế, mà còn thể hiện rõ đẳng cấp trong xã hội. Pharaoh được người Ai Cập cổ đại tin là hóa thân của một vị thần, tương tự như Đạt Lai Lạt Ma ở Tây Tạng hay Nữ Thần sống Kumari ở Nepal. Với vị thế tâm linh đó, lễ tẩm liệm một vị pharaoh phải do tu sĩ Ai Cập cao cấp nhất cử hành.
Kiến trúc và điêu khắc:
Nghệ thuật kiến trúc của Ai Cập cổ đại đã đạt đến trình độ rất cao. Các công trình kiến trúc tiêu biểu là cung điện, đền miếu, đặc biệt là Kim tự tháp.
Kim Tự Tháp:
Theo nhiều tài liệu ghi lại, người Ai Cập cổ đại có niềm tin mãnh liệt về sự hồi sinh và bất tử. Họ chuẩn bị rất cẩn thận và chu đáo cho cái chết của bản thân mình và những người trong gia đình, dòng họ bằng cách xây dựng lăng mộ. Kim tự tháp đóng vai trò là lăng mộ cho các Pharaoh và hoàng hậu trong hai thời kỳ Cổ vương quốc và Trung vương quốc.
Hình dạng của kim tự tháp Ai Cập được cho là tượng trưng cho mô đất nguyên thủy mà người Ai Cập tin là từ đó Trái Đất được tạo ra, cũng như những tia nắng Mặt Trời chiếu xuống. Tên của các kim tự tháp cũng có liên hệ tới ánh sáng mặt trời. Chẳng hạn như kim tự tháp Cong tại Dahshur có tên là kim tự tháp Tỏa sáng ở phía Nam, còn kim tự tháp Senwosret ở el-Lahun có tên là Senwosret đang Tỏa sáng.
Kim Tự Tháp được bắt đầu xây dựng từ thời vua Djeser, vua đầu tiên của vương triều III, vương triều đầu tiên của thời Cổ vương quốc. Đây là một ngôi tháp có bậc, cao 60m, đáy là một hình chữ nhật dài 120m, rộng 106m. Xung quanh tháp Djeser có đền thờ và mộ những thành viên trong gia đình và những người thân cận. Toàn bộ khu lăng này được bao bọc bởi một tường thành xây bằng đá vôi. Thời kỳ Kim Tự Tháp được xây dựng nhiều nhất và đồ sộ nhất là thời vương triều IV. Vua đầu tiên của vương triều này là Xnepru, đã xây cho mình hai Kim Tự Tháp, cái thứ nhất cao 36,5 m, cái thứ hai cao 99 m. Các vua kế tiếp như Keop, Kephren, Mikerin đều xây dựng những Kim Tự Tháp rất lớn: Kim Tự Tháp Keop (tên Ai Cập) là Hufu cao 146,5 m, Kim Tự Tháp Kephren cao 137 m, Kim Tự Tháp Mikerin cao 66 m
Kim tự tháp Giza được xây dựng cho Pharaoh thứ 4 Khufu (hay Cheops) và được hoàn thành vào khoảng năm 2560 trước Công Nguyên. Nó là một phần của khu phức hợp gồm 3 kim tự tháp lớn trong Khu nghĩa trang Giza nằm ở Cairo, Ai Cập. Giza là kim tự tháp lớn nhất trong ba kim tự tháp và là một phần của khu phức hợp riêng của nó với 3 kim tự tháp nhỏ được xây dựng cho vợ của Khufu.
Công trình được uớc tính mất khoảng 20 năm để hoàn thành và các học giả tranh luận rất nhiều về những người thợ xây dựng và cách họ xây dựng công trình. Một số cho rằng những người lao động xây dựng công trình là những nô lệ, nhưng chính người Ai Cập là những lao động chủ yếu, họ xây dựng khi sông Nile bị ngập lụt và công việc trang trại không thể thực hiện được.
Cách thức xây dựng kim tự tháp luôn là chủ đề tranh luận rất sôi nổi của các học giả. Một số bằng chứng và lý thuyết cho thấy 20.000 công nhân đã làm việc cật lực trong suốt 20 năm và được trả công cho những đóng góp của mình. Điều này đòi hỏi rất nhiều tổ chức và nhân lực trong cách thức kế toán và lưu trữ hồ sơ. Người Ai Cập nổi tiếng với những tài liệu ghi chép để lại cho hậu thế.
Kim tự tháp được xây dựng từ các khối đá, mỗi khối nặng ít nhất 2 tấn. Có giả thuyết cho rằng nhiều người đàn ông cùng nhau điều khiển từng khối đá trên đoạn đường bao quanh công trình khi nó càng lúc càng được xây cao lên hoặc di chuyển từng viên đá lên những đường dốc cao hơn và dài hơn khi kim tự tháp dần được xây cao hơn, hoặc thậm chí là sử dụng giàn giáo. Nhiều học giả phản bác giả thuyết này vì những lý do khác nhau như gỗ được sử dụng cho giàn giáo hoặc đường dốc có giá thành cao. Có những học giả lại cho rằng người ngoài hành tinh đã xây dựng các kim tự tháp. Dù với giả thuyết nào thì kim tự tháp cũng đã được xây dựng, công trình là một kỳ công tuyệt vời cần được đánh giá và tôn trọng.
Ước tính có 2,3 triệu khối đá đã được sử dụng, nặng từ 2 đến 15 tấn mỗi khối. Bản thân kim tự tháp có nhiều lối đi và phòng ốc bên trong nơi đặt chiếc quách bằng đá granit của Pharaoh và tất cả vật dụng cần thiết cho hành trình đến thế giới bên kia, gồm rất nhiều kim loại và đá quý, thực phẩm và đồ nội thất được chạm khắc bằng tay.
Việc xây Kim Tự Tháp như Herodop nói, “đã đem lại cho nhân dân Ai Cập cổ đại không biết bao nhiêu tai họa”. Nhưng nhân dân Ai Cập cổ đại, bằng bàn tay và khối óc của mình, đã để lại cho nền văn minh nhân loại những công trình kiến trúc vô giá. Trải qua gần 500 năm, các Kim Tự Tháp hùng vĩ vẫn đứng sừng sững ở vùng sa mạc Ai Cập bất chấp thời gian và mưa nắng. Vì vậy từ lâu người Ai Cập có câu: “Tất cả đều sợ thời gian, nhưng thời gian sợ Kim Tự Tháp”. Và cũng chính vì vậy, từ thời cổ đại, người ta đã xếp Kim Tự Tháp Keop là kỳ quan số một trong bảy kỳ quan thế giới. Đến nay, trong bảy kỳ quan ấy, cũng chỉ còn lại mỗi Kim Tự Tháp mà thôi.
Tượng Sphynx (nhân sư):
Nghệ thuật điêu khắc của Ai Cập cổ đại cũng có những thành tựu rất lớn biểu hiện ở hai mặt tượng và phù điêu. Từ thời Cổ vương quốc về sau,các vua Ai Cập thường sai tạc tượng của mình và những người trong vương thất, Tượng thường tạc trên đá, gỗ hoặc đúc bằng đồng. Trong số các tượng của Ai Cập cổ đại, đẹp nhất là tượng bán thân hoàng hậu Nefetiti, vợ của vua Ichnaton. Tuy nhiên, độc đáo nhất trong nghệ thuật điêu khắc của Ai Cập cổ đại là tượng Sphynx.
Bức tượng này được ghi nhận là bức tượng nhân sư nguyên khối lớn nhất thế giới với chiều dài lên đến 73,5 mét và chiều cao đạt 20,22 mét. Người ta cho rằng bức tượng nhân sư này đã được xây dựng trong khoảng thời gian Pharaoh Khafre trị vì, khoảng 2558 – 1532 TCN.
Hiện nay, tượng nhân sư, hay Sphinx, chỉ là những tên gọi mà giới khoa học đặt cho bức tượng này bởi họ không tìm kiếm được bất cứ tài liệu nào có chứa tên gọi của tượng nhân sư. Cái tên duy nhất các nhà khoa học tìm thấy trong văn kiện ở thời kỳ Tân Vương Quốc là Hor-em-akhet. Tên này được khắc trên Dream Stele (Tấm bia giấc mơ) của Pharaoh Thutmose IV.
Cái tên tượng nhân sư bắt nguồn từ sự tích về một con quái vật đầu người thân sư tử và có cánh trong thần thoại Hy Lạp, đó chính là Sphinx. Có truyền thuyết kể lại rằng tượng nhân sư canh gác lăng mộ của vua và sẽ hỏi một câu hỏi cho bất cứ kẻ nào dám lại gần. Nếu như kẻ đó không trả lời được câu hỏi thị nó sẵn sàng bóp chết kẻ đó..
Cho đến này, các tài liệu cổ liên quan đến tượng nhân sư là không có nhiều, chính vì thế mà các nhà khoa học, nhà khảo cổ rất đau đầu khi cố gắng đi tìm tên gọi chính xác của bức tượng này, cũng như thời gian bức tượng được xây dựng và ai là người đã xây dựng tượng nhân sư.
Sau nhiều tranh luận thì giới khoa học đã thống nhất rằng tượng nhân sự được xây dựng vào khoảng năm 2500 TCN và có lẽ chính Pharaoh Khafre đã chỉ đạo xây dựng nên bức tượng này.
Tuy thế nhưng tượng nhân sư cao tới 20,22 m và dài 73,5 m, bởi vậy người ra hoài nghi với trình độ khoa học kỹ thuật thời đó thì làm thế nào để con người xây dựng được tượng nhân sư khổng lồ như vậy. Hơn nữa, bức tượng The Great Sphinx of Giza còn được ghi nhận là bức tượng nguyên khối. Với trọng lượng như vậy thì làm thế nào để người xưa di chuyển bức tượng?
Có rất nhiều truyền thuyết liên quan đến tượng Nhân sư, nhưng nổi tiếng nhất là câu chuyện về hoàng tử Ai Cập tên là Thutmose. Vì được cha yêu mến nên Thutmose trở thành cái gai trong mắt những người anh chị em mình. Một số thậm chí còn âm mưu giết chết hoàng tử.
Để được bình yên, Thutmose bắt đầu cuộc sống xa nhà. Ông dành phần lớn thời gian trên sa mạc, và được dân gian nhớ đến là một người mạnh mẽ, rất thích đi săn và bắn cung. Trong chuyến đi săn định mệnh, Thutmose tới trước tượng Sphinx và cầu nguyện. Một trong những lời hứa mà vị hoàng tử dành cho nhân sư chính là nếu trở thành Pharaoh tiếp theo, ông sẽ giải thoát bức tượng khỏi sự chôn vùi của bão cát. Khi đó, Shinx bị cát vùi lấp đến vai.
Hoàng tử lưu lạc sau này trở thành người cai trị tiếp theo của Ai Cập, và đã thực hiện lời hứa với nhân sư. Ông cho tiến hành một cuộc khai quật có quy mô lớn, và dần dần đào được hai chân của nhân sư. Ông đặt giữa chúng một tấm bia làm bằng đá hoa cương, được biết đến với tên gọi “Tấm bia Giấc mơ”.
Khoa học tự nhiên:
Khoa học tự nhiên ở Ai Cập cổ đại cũng có nhiều thành tựu, quan trọng nhất là thiên văn và số học.
Thiên văn:
Bầu trời được chia thành 45 chòm sao và con người đã biết đến các hành tinh như Sao Mộc, sao Hoả, Sao Thổ, Sao Kim, sao Thuỷ.
Về dụng cụ thiên văn, người Ai Cập đã sáng chế ra nhật khuê (một thanh gỗ có đầu cong để đo thời gian) và đồng hồ Mặt Trời, đó chính là những cột bia thờ thần Ra, nó cho phép xác định độ cao của Mặt Trời so với đường chân trời. Để đo thời gian về ban đêm, các vị tư tế theo dõi vị trí của những ngôi sao. Người Ai Cập cũng đã cống hiến cho nhân loại ý tưởng xác định một giờ bằng 1/24 độ dài của một ngày đêm, thống nhất cho mọi mùa trong năm.
Người Ai Cập cổ đã vẽ được bản đồ sao, họ đã xác định 12 cung hoàng đạo và sao Thuỷ, Kim, Hoả, Mộc, Thổ. Người Ai Cập cổ làm ra lịch dựa vào sự quan sát sao Lang (Sirius). Một năm của họ có 365 ngày, đó là khoảng cách giữa hai lần họ thấy sao Lang xuất hiện đúng đường chân trời. Họ chia một năm làm 3 mùa, mỗi mùa có 4 tháng, mỗi tháng có 30 ngày. Năm ngày còn lại được xếp vào cuối năm làm ngày lễ. Để chia thời gian trong ngày, họ đã chế ra đồng hồ mặt trời và đồng hồ nước.
Toán học:
Do yêu cầu phải đo đạc lại ruộng đất bị nước sông Nile làm ngập và do cần phải tính toán vật liệu trong các công trình xây dựng nên từ sớm, người Ai Cập đã có khá nhiều hiểu biết đáng chú ý về toán học.
Vấn đề đầu tiên của toán học là phép đếm. Người Ai Cập cổ đại ngay từ đầu đã biết dùng phép đếm lấy 10 làm cơ sở (thập tiến vị). Các chữ số cũng được dùng chữ tượng hình để biểu thị nhưng vì không có cơ số 0 nên cách viết chữ số của họ tương đối phức tạp.
Ví dụ: đơn vị: hình nhiều cái que,
chục: hình một đoạn dây thừng,
trăm: hình một vòng đoạn dây thừng,
ngàn: hình cây sậy,
10 ngàn: hình ngón tay,
100 ngàn: hình con nòng nọc,
triệu: hình người giơ hai tay biểu thị kinh ngạc.
Về các phép tính cơ bản, người Ai Cập chỉ mới biết phép cộng và phép trừ. Còn nhân và chia, vì chưa biết bảng nhân nên phải dùng phương pháp cộng và trừ liên tiếp.
Đến thời Trung vương quốc, mầm mống của đại số học đã xuất hiện. Ẩn số x được gọi là “aha” nghĩa là “một đống”, ví dụ một số ngũ cốc chưa biết được số lượng thì gọi là “một đống ngũ cốc”. Người Ai Cập đã biết được cấp số cộng và có lẽ cũng đã biết được cấp số nhân.
Về hình học, người Ai Cập đã biết cách tính diện tích hình tam giác, diện tích hình cầu, biết được số pi là 3,16, biết tính thể tích hình tháp đáy vuông. Khi giải những bài tóan hình học không gian phục vụ cho việc xây dựng Kim Tự Tháp, họ đã biết vận dụng mầm mống của lượng giác học.
Các vấn đề toán học thường được ghi trên giấy papyrus, trong đó, tài liệu cổ nhất được viết từ năm 1850 TCN (thời Trung vương quốc). Tài liệu này viết trên một tờ giấy rộng 8 cm, dài 544 cm.
Y học:
Do tục ướp xác thịnh hành, từ rất sớm, người Ai Cập đã hiểu biết tương đối về cấu tạo của cơ thể người. Tình hình ấy đã tạo điều kiện cho y học có thể phát triển sớm. Nhiều thành tựu của nền y học Ai Cập cổ đại được ghi trên giấy papyrus và truyền đạt lại đến ngày nay. Các tại liệu ấy đã đề cập đến các vấn đề như nguyên nhân của bệnh tật, mô tả về óc, quan hệ giữa tim và mạch máu, các loại bệnh, cách khám bệnh, khả năng chữa trị… Về nguyên nhân chủ yếu của bệnh tật, người Ai Cập lúc bấy giờ đã nhận thức được rằng đó không phải do ma quỷ hoặc do các mụ phù thủy gây nên mà là do sự không bình thường của mạch máu. Hơn nữa, từ thời Trung vương quốc, người Ai Cập đã biết được tầm quan trọng của óc và tim đối với sức khỏe của con người, nếu óc bị tổn hại thì toàn thân sẽ bị bệnh. Tuy người Ai Cập chưa biết nhiều về sự tuần hoàn của máu nhưng họ cũng đã nhận biết sự liên quan giữa tim và mạch máu. Các tài liệu ghi rằng nhịp tim đang đập trong các mạch máu của cơ thể, do đó “khi thầy thuốc để bàn tay hoặc ngón tay ở phía sau đầu, bàn tay, mạch, bàn chân của người khác thì ông ta biết được tim”.
Các tài liệu để lại còn mô tả nhiều loại bệnh như bệnh đường ruột và dạ dày, bệnh đường hô hấp, bệnh ngoài da…
Các tài liệu cũng ghi lại nhiều bài thuốc và phương pháp chữa trị. Ví dụ, để chữa bệnh đường ruột, người ta dùng phương pháp rửa ruột hay cho nôn mửa. Các thầy thuốc Ai Cập còn biết dùng phẫu thuật để chữa một số bệnh.
Việc chữa bệnh đã được chuyên môn hóa khá tỉ mỉ. Hêrôđốt cho biết rằng khi ông đến Ai Cập du lịch thì thấy rằng: “Ở chỗ họ, y học chia thành nhiều chuyên môn, mỗi thầy thuốc chữa trị một loại bệnh chứ không phải chữa rất nhiều bệnh. Khắp nơi đều có rất nhiều thầy thuốc: người này chuyên chữa mắt, người kia chuyên chữa đau đầu, người thứ ba chuyên chữa răng, một người nữa chữa bệnh đau dạ dày, một người nữa chữa các bệnh trong nội tạng”.
Ngoài ra, các lĩnh vực khác như vật lý học, hóa học… cũng có những hiểu biết đáng kể. Không thể tưởng tượng được rằng trong việc thiết kế và xây dựng các Kim Tự Tháp mà cho đến nay vẫn rất vững bền lại thiếu những kiến thức về vật lý học nhất là về lực học.
Tóm lại, nền văn minh Ai Cập cổ đại đã để lại cho nhân loại nhiều thành tựu tuyệt vời và đã có nhiều đóng góp trực tiếp đối với sự phát triển của nhiều lĩnh vực trong nền văn hóa thế giới.